Quy hoạch năng lượng và quy hoạch tương lai của đất nước

Vào ngày 17/1, tôi đã trình bày một thất bại lớn của đảng Cộng Sản Việt Nam trong triển khai quy hoạch và đảm bảo an ninh năng lượng tại Việt Nam trong bài viết Kế hoạch phát triển điện 7- PDP7 một giai đoạn cần được nhìn lại với lý do chính là tham nhũng sẽ làm phá sản mọi kế hoạch cải tổ và phát triển đất nước. Cho đến những ngày gần đây, chúng ta lại nhận thêm nhiều tin xấu về triển vọng tiếp tục phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam. Cụ thể là ngày hôm nay, một loạt các tập đoàn và nhà đầu tư đã gửi một kiến nghị thư đến chính phủ và cho rằng họ có thể lâm vào cảnh phá sản và thiệt hại đến 13 tỷ đô la vốn đầu tư nếu chính quyền bỏ cơ chế giá ưu đãi (FIT/Fit-in tariffs), và xem xét lại điều kiện nhận giá FIT ngay cả những dự án đã đi vào vận hành. Điều này được cho là sẽ làm xói mòn khung pháp lý, và niềm tin của nhà đầu tư với ngày công nghiệp của Việt Nam, không chỉ gây thiệt hại với những vốn đầu tư trước đó; mà còn chặn đứng những dự định đầu tư vào ngành công nghiệp tái tạo đầy triển vọng của Việt Nam trong tương lai.
Đầu tiên, chúng ta phải khẳng định rằng năng lượng tái tạo là con đường phát triển ngành công nghiệp năng lượng chủ đạo và gần như là bắt buộc với các quốc gia phát triển và đang phát triển. Người ta nói nhiều về sự bất ổn của ngành công nghiệp điện tái tạo khi nắng và gió chỉ xuất hiện trong một khoảng thời gian ngắn hạn trong ngày, do đó năng lượng tái tạo có thể ảnh hưởng đến tính điều độ của mạng lưới điện, khi thì thiếu điện và có những lúc thì thừa tải điện. Do đó, năng lượng tái tạo cũng trông đợi những công nghệ như trợ như công nghệ điện phân hydrogen từ các turbine gió và tấm panel mặt trời, còn trước mắt thì vẫn phải duy trì những cục pin lithium lớn để trữ điện trong thời gian các nhà máy điện nắng và điện gió không thu hoạch được. Thế nhưng, khó khăn về công nghệ cũng không phải là một lập luận để người ta từ bỏ điện tái tạo vì thế giới đã có cam kết Paris về Biến đổi Khí hậu các quốc gia phải giảm thải để cùng nhau giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 2 độ (hoặc ở điều kiện lý tưởng là 1.5 độ) vào năm 2030 (cụ thể là để thực hiện được điều này, họ phải giảm phát thải tới 43% vào 2030); và một cam kết khác là đạt hiệu số phát thải- giảm thải bằng o (Net-Zero Emissions). Dù nhiều nhà khoa học nói rằng có thể cam kết Paris về BĐKH có khả năng không thực hiện được, nhưng điều đó không có nghĩa là các quốc gia được phép từ bỏ những cố gắng phi thường về giảm phát thải. Cam kết này được cụ thể hóa bằng kế hoạch Biến Đổi Khí Hậu của từng quốc gia và trở thành một văn bản hướng dẫn quan trọng trong các hoạt động đầu tư, và phát triển khắp nơi trên thế giới, và càng quan trọng với các nước đang phát triển. Do vậy, việc đốt thêm than đá, và năng lượng hóa thạch tuy "ổn định" theo cách nói hạn hẹp của nhiều người. Nhưng, quy chuẩn kinh doanh và hợp tác quốc tế sẽ không cho phép các doanh nghiệp từ trong mọi lĩnh vực từ điện từ, da giầy, dược phẩm, thực phẩm, vv hợp tác với các nền kinh tế phát thải cao. Do vậy, đốt thêm năng lượng hóa thạch cũng chẳng có một tính ổn định nào. Mặt khác, thì công nghệ điện than và giá than cũng đang rất cao và có thể ngày càng khan hiếm, đất nước Việt Nam cũng phải nhập khẩu than và do đó cũng không có tự chủ năng lượng nếu phát triển thêm điện than. Tôi nghĩ điều này cũng không còn tranh cãi vì các văn bản quy hoạch năng lượng, chủ trương đầu tư của chế độ cũng không còn nhắc tới việc đầu tư thêm vào ngành công nghiệp than.
Gần đây, Hoa Kỳ vừa triệt thoái khỏi một cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam và Indonesia 3 tỷ đô la phát triển năng lượng tái tạo. Nhưng sự kiện này cũng chỉ đánh dấu là chính quyền các nước đang phát triển sẽ vẫn phải tiếp tục phát triển và đầu tư vào ngành năng lượng trong một điều kiện khó khăn hơn về nguồn vốn, và sự yểm trợ của thế giới phát triển. Điều đó không có nghĩa là họ có thể lùi về sử dụng năng lượng hóa thạch.
Như tôi đã từng trình bày nhiều lần, ngay cả một xu hướng vốn là đúng đắn và có lợi như chuyển hóa xanh, cũng cần được thực hiện một cách lương thiện, có nghĩa là một cố gắng có sự chuẩn bị và cân nhắc một cách kỹ càng để đầu tư để có một sự đảm bảo cho tương lai đất nước, số tiền đầu tư dù là của công hay của tư nhân cũng phải được sử dụng một cách thận trọng trong một thể chế không có tham nhũng để không uổng bí những nguồn lực quý giá của đất nước. Nhưng tham nhũng là lý do lớn nhất khiến cho Kế hoạch Phát Triển Điện 7 hay PDP7 phá sản trong thất bại. Hệ thống điện lực Việt Nam là một hệ thống độc quyền được điều hành bởi EVN, dù các nhà đầu tư là những doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài, họ bắt buộc phải lệ thuộc vào các mối quan hệ trong chính quyền như Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu Tư, Bộ TNMT, hay EVN để có được quyền phát triển và xây cất các dự án. Do đó, khi kế hoạch điện 7 được trình ra và thực thi; thực tế càng nhiều dự án được cấp phép và xây cất thì số tiền tham nhũng và "bôi trơn" các cấp, và lợi ích sẽ càng nhiều, và họ đua nhau mở ra các dự án điện gió và điện mặt trời dưới một mức giá FIT ưu đãi cao hơn mặt bằng chung của thế giới. Điều này không phải là do tác giả bịa đặt hay vu không chế độ, mà thực tế họ cũng thừa nhận điều đó thông qua đại án bắt 6 cựu cán bộ gây thất thoát 209 tỷ đồng của EVN mà họ cho là các bị cáo đã "tạo điều kiện không chính đáng" cho các doanh nghiệp hưởng lợi, và truy tốcựu thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khi đã làm thiệt hại 1000 tỷ của EVN.
Tuy nhiên, những sự chuẩn bị về đường truyền tải điện, lưu trữ năng lượng, phân bổ nguồn điện cho hợp lý đã không được đặt ra. Có những nhà máy điện mặt trời và điện gió xây xong không được phép lên hết tải do vấn đề về đường truyền địa phương. Điều này càng chứng tỏ về lập luận chế độ đã triển khai PDP7 một cách thiếu lương thiện và nhanh chóng trở thành một kế hoạch trục lợi của các cấp chính quyền tham nhũng, do vậy họ cũng chẳng ưu tư cho một sự thận trọng nào. Mặt khác, EVN vốn là tập đoàn quốc doanh độc quyền về điều phối và vận hành các đường truyền tải. Trong khi, để thúc đẩy vấn đề phát triển về các đường truyền địa phương, họ có thể giải tư ngành công nghiệp điện Việt Nam một cách thận trọng. Kỹ nghệ vận hành và điều phối điện đã không còn là một điều gì đó phức tạp chỉ duy nhất nhà nước làm được, các nhà vận hành tư nhân hoàn toàn có thể tham gia để vận hành mạng lưới điện, xây dựng các đường truyền tải, và mua bán điện một cách cạnh tranh để đẩy nhanh quá trình phát triển ngành công nghiệp điện; giải tư những gì tư nhân có thể làm được cũng là một định hướng lớn của dự án Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai chúng tôi đã trình bày, và chế độ đã thất bại trong Kế hoạch Phát triển Điện 7 một phần vì đã không thực hiện định hướng này.
Hệ quả rõ nhất là chúng ta thấy sau gần một thập kỷ phát triển điện tái tạo một cách ồ ạt (từ những năm 2014 cho tới 2022), đất nước chúng ta cũng không có một đảm nào về an ninh năng lượng. Chúng ta có một hệ thống điện lưới độc quyền bởi một tập đoàn tham nhũng EVN, một hệ thống thiếu ổn định, và không phân bổ nguồn điện phát triển đồng đều đến các vùng, lãnh thổ đất nước. Tát nhiên, tôi không bao giờ phản đối những bước tiến lớn trong phát triển năng lượng tái tạo, nhưng điều đó cũng phải được tính toán và đi từng bước rất thận trọng: chẳng hạn chế độ đã cho phép phát triển những công nghệ lạc hậu mà các hãng thiết bị từ Trung Quốc xuất sang trong cơn khủng hoảng thừa của nước này với một mức giá rộng rãi, hay nói giản dị là mua đồ thừa với một mức giá cao. Để khi, họ thấy rằng những công nghệ này không hoạt động đúng như công suất thiết kế hoạch những dự tính ban đầu của họ thì họ tìm cách hồi tố và thu hồi giá FIT của các nhà phát triển. Mặt khác, công nghệ cũng đang thay đổi chẳng hạn, người ta sẽ từ bỏ các tấm pin mặt trời silicon và sớm sử dụng vật liệu perovskites cho một hiệu suất cao hơn ở diện tích nhỏ hơn. Tuy nhiên, đằng nào thì một nhà máy điện gió hay điện nắng cũng chỉ có vòng đời từ 20-25 năm từ khi vận hành cho đến lúc giải ráp; cho nên chúng ta vẫn có thể yên tâm khi phát triển trên những công nghệ cũ một cách điều độ và chờ đợi những công nghệ mới. Sự phát triển một cách ồ ạt dựa trên tham nhũng đã làm cho EVN buộc phải mua quá nhiều điện tái tạo và trở nên cạn kiệt về ngân sách (nhất là trong bối cảnh đầu từ đã không đổ vào ồ ạt như chế độ nghĩ), nhưng những dự án mới cần thiết lại không còn đủ nguồn vốn và lực để triển khai. Người ta nhìn nhận thời kỳ đỉnh điểm năm 2022, Việt Nam đạt 13.2% sản lượng điện mặt trời va điện gió trên toàn hệ thống và cao hơn mức trung bình 10% thế giới, và cao hơn hẳn Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Indonesia, và Thái Lan. Và cũng trong năm đó, Việt Nam áp đảo ở mức 69% sản lượng điện tái tạo tại ASEAN. Và đến năm 2023, sản lượng nắng gió Việt Nam đạt 25%. Những con số đó đáng khích lệ, nhưng nó không phản ánh tình trạng kiệt quệ vì tham nhũng và vì một sự quy hoạch cẩu thả của chính quyền Việt Nam và tập đoàn quốc doanh EVN. Tại sao chính phủ ông Phạm Minh Chính muốn "hồi tố" các dự án điện nắng, điện gió: có thể đơn giản vì họ thấy rằng họ phải mua một cái giá khá đắt trong khi đó năng lượng tái tạo đã rẻ hơn nhiều, và cũng có một lý do khác là có thể họ đã cạn kiệt nguồn vốn để mua điện từ các nhà phát triển theo cam kết.
Thật đáng buồn khi tôi phải kết luận rằng thời gian tới, chúng ta sẽ thấy Indonesia, Thái Lan, Malaysia, hay Bangladesh sẽ bùng nổ về phát triển năng lượng tái tạo, cùng với sự gia tăng của vốn FDI; trong khi đó chúng ta đang trong tình trạng kiệt quệ, ngành công nghiệp năng lượng trước một thể chế tham nhũng, một cơ chế độc quyền, và sự quy hoạch cẩu thả đã lâm vào tình trạng kiệt quệ và không còn nhà đầu tư. Những cánh quạt gió và tấm panels mặt trời sẽ chết lặng ở những miền duyên hải, nơi mà chúng ta có thể phát triển rất nhanh nếu có một tương lai dân chủ như dự án Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai đã trình bày.
Ngành công nghiệp năng lượng và nhà máy điện dù sao cũng chỉ là một phần ảm đạm của toàn bộ bức tranh phát triển Việt Nam. Trong tình trạng kiệt quệ như vậy, họ bất chấp vẫn đặt ra mục tiêu tăng trưởng 7.5%. Quả thực, đảng cộng sản Việt Nam đang đi xa rời thực tế hơn bao giờ hết.
Và trong cơn tuyệt vọng, họ lại đòi xây dựng các nhà máy điện hạt nhân và họ còn lựa chọn được 8 điểm để có thể triển khai bao gồm 2 địa điểm tại Ninh Thuận, 1 địa điểm tại Bình Thuận, 1 địa điểm tại Bình Định, 1 địa điểm tại Ninh Thuận, 1 địa điểm tại Hà Tĩnh, và 2 địa điểm tại Quảng Ngãi để phát triển từ 4-6 GW điện hạt nhân. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã phản đối phát triển điện hạt nhân, và bản thân tôi cũng đã trình bày nhiều lần tại sao không thể phát triển điện hạt nhân vì những lý do về rác thải hạt nhân, thảm họa an toàn sẽ khiến lãnh thổ đất nước bị chia cắt thông qua các bài viết Không thể bắt đầu Kỷ Nguyên mới bằng cách lặp lại một thảm họa cũ của đất nước! và Kiên quyết làm điện hạt nhân: Quá tối tăm và ngu muội (!?). Nhưng dường như, những dự án này chỉ là những chiếc bánh vẽ viển vông khi nhà cung cấp công nghệ lớn nhất cho chế độ là Nga đã không còn khả năng hỗ trợ Việt Nam về công nghệ điện hạt nhân tại Việt Nam; và chế độ cũng không còn nguồn tiền để phát triển điện hạt nhân trong một bối cảnh khủng hoảng kinh tế và những khó khăn bủa vây như hiện nay như Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên và thường trực Nguyễn Gia Kiểng đã nhiều lần trình bày. Họ đang vẽ ra miếng bánh dự án điện hạt nhân và viện những lý do về sự thiếu ổn định của công nghệ tái tạo để biện minh cho lối phát triển đất nước tham nhũng, cẩu thả và đã gặp phải thất bại của mình.
Tôi không phải là một chuyên gia năng lượng đúng nghĩa, và tôi cũng ý thức được các vấn đề phức tạp của bài toán năng lượng, và sự hạn chế của các giải pháp công nghệ, tuy nhiên điều đó có nghĩa là chúng ta phải thiết kế một bản quy hoạch và triển khai với mọi sự thận trọng, sử dụng nguồn vốn dù là nguồn vốn công hay tư nhân một cách có trách nhiệm để tránh lãng phí và đóng góp vào một đảm bảo cho tương lai đất nước, và an ninh năng lượng; đồng thời chuẩn bị những điều kiện căn bản để thu hút vốn đầu tư khi dần có một nền kinh tế giảm phát thải. Chúng ta sẽ phát triển trên 15% trong tầm tay với một vị trí địa lý thuận lợi với đường bờ biển dài. Nhưng tiếc thay, chế độ đã làm phá sản ngành công nghiệp của đất nước, và không còn có khả năng tiếp tục triển khai những quy hoạch mới; với hiện trạng như ngày hôm nay, họ buộc phải thừa nhận sự thất bại của mình. Đó không phải một sự thất bại của triển khai kỹ thuật, mà là sự thất bại của một chế độ tham nhũng, và những con người sinh ra với đầu óc trục lợi, tàn phá thiên nhiên với cái giá là tương lai và triển vọng đất nước bị đe dọa.
Đất nước Việt Nam dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam đã phá sản vì tham nhũng, vì đạo đức chính trị, và lâm vào khủng hoảng về đường lối. Trong cuộc khủng hoảng đó, có cả cuộc khủng hoảng về tương lai đất nước, người Việt Nam đang không biết đất nước Việt Nam đi về đâu nhưng chắc chắn họ không có niềm tin vào những miếng bánh vẽ của hai vị Tô Lâm và Phạm Minh Chính. Trong lúc này, đất nước chúng ta cần một đảm bảo dân chủ hơn bao giờ hết, và Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên chắc chắn là một đảm bảo dân chủ lớn nhất của đất nước Việt Nam vì chúng tôi có một dự án chính trị bài bản, và những tư tưởng và định hướng lớn đã ngày càng chứng tỏ nó đúng đắn theo thời gian, và chúng tôi đã không ngừng nghỉ tranh đấu cho một tương lai của Việt Nam dù có những thời điểm cả phong trào đấu tranh chống cộng vẫn còn bối rối và nhìn về quá khứ; và một trong những tư tưởng đúng mà đất nước chúng ta đang cần là tinh thần hòa giải dân tộc!