Con đường tổng thống chế là lựa chọn chống lại tương lai đất nước.

Con đường tổng thống chế là lựa chọn chống lại tương lai đất nước.

Đấu tranh chính trị cần một chiều dài về thời gian để giải quyết những vấn đề ngày càng phức tạp

Thời điểm tôi viết bài viết này đánh dấu ngày càng có nhiều ý kiến từ giới nhân sĩ trí thức khi cho rằng chế độ nên chuyển hóa về một chế độ Cộng hòa tổng thống. Cá nhân tôi không có bất cứ một sự thù ghét nào dành cho tập thể nhân sĩ, tuy nhiên điều đó không cho phép tôi không lên tiếng và thậm chí buộc tôi phải lên án lập trường tổng thống hóa đất nước Việt Nam- vì đó là một lập trường sai và hoàn toàn tai hại cho đất nước. Tất nhiên, một người quần chúng với một vốn kiến thức ít ỏi về chính trị sẽ đặt ra câu hỏi: Không phải tổng thống thì còn một chế độ nào khác thay thế một thể chế độc tài đảng trị, hoặc độc tài tập thể? Nhưng một người trí thức phải có nhiệm vụ chống lại một lập trường sai trái ngay cả khi đó là một lập trường mạnh và đang thắng thế.

Như chúng ta đã thấy, một chế độ đa đảng chưa chắc đã phải là một chế độ đa nguyên, nhưng một chế độ dân chủ đa nguyên thực sự cần có sự hiện diện của những đảng phái lớn mạnh, có nề nếp và tư tưởng dân chủ. Theo kinh nghiệm đấu tranh của anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, để xây dựng một đảng chính trị nghiêm túc, chúng ta cần ít nhất một vài thập kỷ để hoàn thiện một cơ sở tư tưởng, và một dự án chính trị cho một giai đoạn nắm quyền (dù là một đảng lãnh đạo, hoặc một đảng trong một liên minh lãnh đạo) để thực hiện một mục đích chính trị.

Tôi xin lấy một ví dụ về Đảng Xanh, hay Green Party ở Đức và những nước dân chủ, họ vốn xuất phát chỉ chiếm một thiểu số không đáng kể trong chính trị phương Tây, và không có ghế trong nghị viện do không đủ 5% phổ thông đầu phiếu, tuy nhiên vào năm 2018, họ đã ở vị thế một chính đảng tham gia cầm quyền; nghĩa là dù không có tầm vóc dẫn đầu các cuộc bầu cử trong tương lai: nhưng mọi đảng cầm quyền phải liên minh với đảng Xanh để duy trì một liên minh đa số. Những ưu tư cho vấn đề môi trường ban đầu chỉ là của một thiểu số nhỏ những người cấp tiến, những nhà khoa học khi họ dần nhìn thấy mối nguy cho trái đất nếu nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng. Những đảng xanh được thành lập như một cứu cánh của thế giới trước một nhận thức rằng các hoạt động công nghiệp và phát thải của con người sẽ đưa thế giới đến một khí hậu mới, một tình trạng hoàn toàn mới; và mọi sinh hoạt, điều kiện sống của con người sẽ phải thay đổi. Nhưng suốt từ những thập niên 1990 cho tới thời gian gần đây là một khoảng thời gian họ cũng phải chờ đợi để công nghệ đủ tiến bộ góp phần thực thi những chính sách bảo vệ môi trường; khi dư luận cho rằng từ bỏ năng lượng hóa thạch ngay sẽ dẫn đến một tình trạng bất ổn về năng lượng, thì ngày nay công nghệ đã giúp năng lượng tái tạo có một sự ổn định nhất định để có thể chiếm 30-40% hỗn khối năng lượng; và đỉnh điểm là khi Nga xâm lược Ukraine và đặt vấn đề sử dụng năng lượng khi gas của Nga trở thành một rủi ro về an ninh, và chuyển hóa năng lượng xanh trở thành một bài toán sống còn của nền kinh tế và dân chủ. Khi đó lập trường chuyển hóa xanh và chính trị đặt ưu tư bảo vệ môi trường mới dành thắng thế. Sự vươn lên của họ phản ánh một thực trạng về tình trạng khẩn cấp của Biến đổi khí hậu.

Chúng ta cũng bất ngờ khi xu hướng xã hội, nghĩa là đề cao liên đới và bất bình đẳng xã hội đáng lẽ ra cũng là một lập trường đúng đắn, nhưng trớ trêu thay họ gặp phải một giai đoạn bất ổn định và phải cạnh tranh trực tiếp với các đảng có lập trường dân túy và dân tộc cực đoan. Một lý do giản dị là một lập trường liên đới xã hội, và bình đẳng cần một thứ truyện thuyết quốc gia, một tinh thần yêu nước để đi đến thắng lợi, nhưng không phải đảng xã hội nào cũng có thứ truyện thuyết đó vượt lên để trở thành một đa số.

Một điểm nhấn nữa trong sinh hoạt dân chủ trong một thế giới đang gia tốc, và những vấn đề mới ngày càng phức tạp. Càng ngày sẽ càng ít để có một đảng phái chính trị quy mô và có những ý kiến đúng, và lãnh đạo được trên mọi địa hạt. Điều này cũng khiến các đảng truyền thống tại châu Âu có sự giảm sút, một phần cũng do sự phát triển của chủ nghĩa dân túy, nhưng một phần cũng vì nhiều tiếng nói khác cũng được nhìn nhận và được ủng hộ trong đó có tiếng nói bảo vệ môi trường, hoặc những đảng phải hoạt động, và chiếm đa số ở cấp vùng. Một bối cảnh chính trị ngày càng phức tạp vì sự phức tạp của các vấn đề thậm chí sẽ ngày càng khiến không một đảng phái chính trị nào trong các nền dân chủ ổn định có một đa số quá lớn, liên minh là một điều bắt buộc về kỹ thuật để thành lập chính quyền sau một cuộc bầu cử, và cùng là một nhu cầu tự nhiên của lối làm chính trị lương thiện, coi trọng sự hợp tác, nhìn nhận nhau để giải quyết những vấn đề phức tạp. Cũng phải nhấn mạnh, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên tuy nhìn nhận một thực tế là trong một giai đoạn chuyển tiếp dân chủ của Việt Nam, có thể vắng mặt những chính đảng lớn ngay cả để làm một đối lập mạnh, hoặc tham gia cầm quyền để thực hiện những điều đúng đắn cho đất nước vì thực tế phong trào chung của chúng ta phần lớn là hời hợt và thiếu những cố gắng nghiêm chỉnh, phần lớn vì di sản của lịch sử và đàn áp chính trị; do vậy những cố gắng nuôi dưỡng những chính đảng cấp vùng, và tổ chức chính quyền vùng sẽ được đặt một ưu tiên lớn- địa hạt vấn đề ít phức tạp hơn và việc tổ chức chính trị không mất nhiều thời gian như những cố gắng chính trị mang tầm vóc quốc gia.

Thật vậy, chúng ta cũng thấy rất nhiều vấn đề lớn của thế giới như sự sai lầm của chủ nghĩa cộng sản, vấn bề bất bình đẳng và chú nghĩa phóng khoáng trong các nền dân chủ tư bản, vấn đề môi trường và Biến đổi khí hậu… đều đã mất vài ba thập kỷ để giải quyết triệt để hoặc thậm chí để bắt đầu có đồng thuận và trở thành xu hướng chủ đạo trong chính trị. Một chiều dài cần thiết trong đấu tranh chính trị, và nhìn nhận sự phức tạp trong chính trị đòi hỏi chính trị phải là những cố gắng của một tổ chức, và đảng phái; và không thể đặt trên những hình ảnh, lối đấu tranh cá nhân được.

Những tranh cử tốn kém, mị dân và chia rẽ

Các cuộc bầu cử trong chế độ tổng thống thường có những sự tốn kém một cách quá đáng. Điển hình trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2024, cả hai ứng cử viên đã tiêu tốn gần 5.6 tỷ dollar Mỹ; cuộc bầu cử Quốc hội cũng tiêu tốn 10.3 tỷ đô đưa tổng chi phí tranh cử lên mức 15.9 tỷ đô la Mỹ. Một sự quá đáng là tổng chi phí đã đội lên 1.8 lần so với thời điểm năm 2016. Nhưng lý do là gì? Đó là vì các ứng cử viên đã cần phải chi trả một lượng tiền lớn cho những hoạt động quảng cáo đa phương tiện, hoạt náo quần chúng trên quy mô lớn và kéo dài tận từ 1.5-2 năm. Thế giới chỉ hoảng hốt trước sự hoại loạn của chế độ tổng thống Mỹ kể từ cuộc bầu cử năm 2016 giữa Donald Trump và Hillary Clinton, giữa Joe Biden và Donald Trump, và giữa Donald Trump và Kamalas Harris. Nhưng nhìn lại một thống kê vào năm 2012 khi Obama và Mitt Romney tranh cử, 90% các quảng cáo đều tiêu cực, nghĩa là quảng cáo dung để nhắm vào ứng cử viên đối thử. Từ ngày 1/6 cho đến ngày bầu cử, có tới 64% quảng cáo được đánh giá là hoàn toàn tiêu cực, nghĩa là chỉ xoay quanh việc tấn công đối thủ mà thôi. Như vậy, số tiền đó đã không được sử dụng cho một cố gắng lương thiện- có nghĩa là cố gắng quảng bá cho những giá trị, tư tưởng, và chính sách bài bản; và nâng cao dân trí của cử tri trước một vấn đề. Nó chỉ dành nhiều cho sự chửi bới nhằm mị dân mà thôi. Mặt khác, nó còn gây ra một sự chia rẽ ngày càng lớn trong xã hội, và xu hướng phân cực và không nhìn nhận nhau. Nói đến đây, nếu dân tộc Việt Nam đã đồng ý chúng ta cần hòa giải dân tộc, làm sao trí thức Việt Nam có thể chấp nhận để cho một thể chế chính trị đầy chia rẽ được áp dụng vào đất nước chúng ta? Chúng ta đã chưa có dân chủ, chúng ta tụt hậu vì chúng ta là nạn nhân của sự chia rẽ.

Đồng tiền ảnh hưởng trong chính trị  

Nhưng một câu hỏi khác, ai là người tài trợ những chi phí tốn kém này? Câu trả lời là những tỷ phú và thế lực tài phiệt. mọi tổng thống đều phải dựa vào lực lượng này để có chi phí vận động tranh cử; và ngày cả những dân biểu trong Quốc hội- với một nhiệm kỳ hai năm ngắn ngủi thì ưu tư của họ chủ yếu là liên hệ với những nhà tài trợ, và nguồn tài để phục vụ cho các cuộc tranh cử chẳng khác gì những nhân viên marketing cả. Hậu quả, chúng ta thấy rõ rằng đồng tiền đã là yếu tố quan trọng để hoạt động chính trị tại Hoa Kỳ. Và như một lẽ tất yếu, những người đã bỏ những khoản tiền khổng lồ vào các cuộc bầu cử sẽ đòi hỏi người nhận tài trợ phải thực hiện mục đích của người tài trợ, bao gồm cả những lợi ích cá nhân. Khi đồng tiền đã ảnh hưởng chính trị, chính trị gia bị tài phiệt bắt làm con tin, lá phiếu của người dân cũng chẳng còn một tiếng nói nào trong chính trị cả. Thực ra đó cũng là ưu tư Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đặt ra rất lớn, nếu nhìn lại giai đoạn xây dựng và kiểm điểm phương tiện trong lộ trình 5 giai đoạn đấu tranh của chúng tôi, chúng tôi cũng nói rõ ràng mình sẽ không chấp nhận những phương tiện mà nó không phục vụ cho dự án chúng tôi mà là ý chí của người cung cấp phương tiên.

Chính trị Mỹ đã trở thành một công cụ để phục vụ những tập đoàn lớn và tài phiệt trốn đóng thuế và các trách nhiệm cần thiết trong xã hội dù không có một phiếu bầu nào, trong khi phần lớn phiếu bầu thuộc về những người lao động, giai cấp trung lưu trong xã hội chiếm một đa số áp đảo, nhưng chính trị đã không phục vụ họ, và đảm bảo an ninh, và xóa bỏ tình trạng bấp bênh của họ. Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2010, chính quyền Mỹ đã lựa chọn cứu các tập đoàn lớn “too big to fail” trước những người dân lâm vào cảnh phá sản và túng quẫn dù họ không phải thủ phạm.

Tôi là tất cả

Dù thực trạng tồi tệ là như vậy, những ứng cử viên tổng thống đều dương cao những khẩu hiệu như muốn nói: “Hãy bầu cho tôi rồi bạn sẽ có tất cả”, - If I’m elected, then everything. Và như đã phân tích ở trên, các cuộc bầu cử tổng thống thường rất dài vì những ứng cử viên tổng thống thường khá mới mẻ, quần chúng hoàn toàn mơ hồ về những chính sách và kế hoạch của họ cho đất nước. Joe Biden là một trường hợp ngoại lệ, nhưng cũng chỉ thắng cử vì thời điểm năm 2020- người ta thấy được sự tệ hại của Trump mà thôi. Năm 2024, Trump dù đã có 8 năm kể từ năm 2016, nhưng người ta cũng hiểu rằng Trump nhiệm kỳ đầu và Trump 2.0 sẽ là hai chính quyền rất khác nhau. Kamalas Harris dù có 4 năm làm phó tổng thống, nhưng cũng không ai chắc chắn nếu bà đắc cử, bà sẽ là sự nối tiếp của chính quyền Joe Biden, hay sẽ làm những gì khác? Trong thời điểm đó, chỉ có những lời nói hoa mỹ và mị dân là điều các ứng cử viên dùng để đắc cử mà thôi. Đến này có một lời hứa mà Donald Trump đã không bao giờ thực hiện được là chấm dứt chiến tranh Ukraine trong vòng 24h- tất nhiên, mọi tổng thống đều nói dối nhưng Donald Trump là kẻ nói dối thô bỉ và lộ liễu nhất.

Sự lạm dụng của nhánh hành pháp

Nhưng trong một đất nước đã phân cực của chế độ tổng thống, thì Quốc hội cũng trong một tình trạng phân cực, và đảng cầm quyền cũng chỉ hơn một vài phiếu để nắm đa số, điều đó dẫn đến trường hợp mọi đạo luật được ban hành sẽ đều bị bế tắc, có thể dù là cần thiết nhưng bị phủ quyết vì không được đồng thuận trên một vài điểm nhỏ. Trước sự bế tắc như vậy, tổng thống thường có xu hướng lạm dụng quyền hành pháp để thông qua những gì mình đã hứa với cử tri (dù là chỉ với 50% cử tri đã bầu cho họ), như đã thấy rõ ở nhiệm kỳ thứ hai của Donald Trump, những xu hướng lạm dụng quyền hành pháp để thành lập DOGE, cắt bỏ viện trợ USAID, đàn áp báo chí, đặt ra những đạo luật thô bỉ với người nhập cư, vv. Nhiều quyết định này bị tòa án phán xét là vi hiến, và đã dẫn đến cuộc khủng hoảng hiến định tại Hoa Kỳ (mà khủng hoảng hiến định ở đây cũng là một cuộc khủng hoảng của nên tảng dân chủ).

Thực tế thì sự lạm dụng quyền hành pháp dù với một ý định lương thiện, hay bất lương cũng sẽ làm suy yếu cho nền dân chủ. Chúng ta đã có những kinh nghiệm với Erdogan, Victor Orban, Hugo Chavez; những kẻ này đều cầm quyền bằng cách lạm dụng quyền hành pháp, triệt tiêu sự độc lập của tòa án và dẹp bỏ bảo chí độc lập (ở trường hợp của Erdogan thì hắn ta đã đập bỏ thể chế dân chủ đại nghị để thành lập tổng thống chế).

Tổng thống thực tế chẳng có tính chính đáng dân chủ nào

Thực tế, tổng thống được bầu gần như trực tiếp bởi quần chúng tưởng là có một chính đáng về dân chủ, nhưng thực tế tính chính đáng đó cũng tương đối mà thôi. Vì thường các chế độ tổng thống sẽ đi vào tình trạng phân cực, và tổng thống đắc cử sẽ chỉ vừa đủ quá bán để chiến thắng, nhưng một nửa dân số không bầu cho họ cảm thấy mình là kẻ thất bại, và chống đối trong suốt nhiệm kỳ đó. Tổng thống cũng sẽ mời một vài “chuyên gia”, “nhà kỹ trị” tham gia tổ chức nội các, hay chính phủ- nhưng đa số những người này không thông qua bất cứ một cuộc bầu cử nào cả dù họ nắm các ghế bộ trưởng. Ở một nền dân chủ đại nghị, bộ trưởng trước tiên phải là dân biểu, và nắm giữ trong quốc hội (hoặc là thông qua chiến thắng một cuộc bầu cử địa phương, hoặc là thông qua tỷ lệ đầu phiếu của đảng).

Đến đây, bạn cũng có thể phản bác lại tôi rằng thể chế Hoa Kỳ cũng khồng phải một dạng dân chủ trực tiếp, họ cũng có cơ chế đại cử tri và số phiếu phổ thông không giúp tổng thống đắc cử, mà phải dựa vào số phiếu tại từng bang. Tuy nhiên, đây cũng là một phản biện thiếu thuyết phục. Cơ chế đại cử tri dường như đã lỗi thời và hầu như các đại cử tri không có quyền bỏ phiếu ngược lại với ủy quyền họ nhận được. Bầu cử Mỹ cũng đã đưa chính trị Mỹ vào một tình trạng phân cực mà kết quả bầu cử chỉ được định đoạt tại 7 bang chiến địa (con số cho đến năm 2024), các bang còn lại hầu như không đóng một vai trò đáng kể để thay đổi cuộc bầu cử vì họ luôn bầu cho một đảng duy nhất. Mặt khác, tình trạng phân chia lại hạt bầu cử (gerrymandering) diễn ra một cách tràn lan nhằm thay đổi kết quả bầu cử một cách thiếu lương thiện. Vậy thì những hình thức “gián tiếp hóa” như vậy cũng có chính đáng nào đâu nếu cũng chỉ làm dân chủ yếu đi mà thôi.

Sự suy yếu của các chính đảng

Và điều quan trọng nhất chúng ta phải bàn là sự tồn tại của tổng thống chế đã gia tốc sự sụp đổ của các chính đảng chính trị. Tại Hoa Kỳ, không có một đảng thử ba nào có thể tồn tại được vì tình trạng phân cực, người ta chỉ dồn phiếu cho một trong hai bên có khả năng chiến thắng nhất.

Mỗi cuộc bầu cử tổng thống như một lần trưng cầu dân ý nơi ủy quyền dân chủ được trao cho một cá nhân, thay vì một chính đảng hoặc một tổ chức chính trị. Nhưng những cá nhân thì thường không thể giải quyết được những vấn đề chính trị ngày càng phức tạp và có sự kế thừa những ý kiến, chính sách đúng là kết quả của một cuộc thảo luận kéo dài một vài thập kỷ; họ cũng không có một đội ngũ, hay một đồng thuận nào. Có chăng một cá nhân cầm quyền dù lương thiện cũng bị cuốn theo những ưu tư giải quyết những vấn đề ngắn hạn, tình thế, những vấn đề cấp bách mà thôi. Trước khi họ lại phải bước vào một cuộc bầu cử mới đầy khốc liệt và cũng phải dành từ 1.502 năm cho các hoạt động tranh cử. Chính chế độ đó đã không nuôi dưỡng những cố gắng, một dự án chính trị dài hơi và nghiêm chỉnh để thay đổi một hoặc một tập hợp các vấn đề chính trị lớn.

Một đặc tính chứng tỏ một chính đảng có uy tín và trưởng thành là có một cơ sở quần chúng, nhưng vì các chính đảng trong chính trị Hoa Kỳ hay một nền tổng thống chế ngày càng không có khả năng thực hiện nhiệm vụ thay đổi chính trị và thực thi một dự án lương thiện, cơ sở quần chúng của họ ngày càng mất niềm tin và xa vời với họ. Chúng ta dù bất ngờ, nhưng hiểu tại sao tầng lớp lao động ngày càng tỏ ra bất mãn với Đảng Dân Chủ, những người bảo thủ truyền thống thực tế bầu cho Trump chứ không phải đảng Cộng Hòa. Thực tế, cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa hiện nay cũng chẳng còn gì khi mất đi cơ sở quần chúng của mình, họ sẽ tan vỡ một cách chóng vánh nếu vì một lý do nào đó mà tài phiệt rút hết nguồn tài trợ cho đảng.

Hãy lựa chọn dân chủ đa nguyên và khước từ tổng thống chế

Đến đây, tôi sẽ không phân tích thêm nhiều về tại sao chế độ tổng thống hoại loạn và cũng sẽ không đề cập trực tiếp tại sao chế độ dân chủ đại nghị là một thể chế ổn vững hơn (điều mà đã được đề cập trong Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai. Vì tôi nghĩ vấn đề chúng ta cần bàn hiện nay tuyệt đối không phải là thể chế nào ưu việt hơn, mà là liệu đang có một sự bất lương thiện khi khuyến khích chế độ CSVN chuyển hóa về một dạng độc tài cá nhân (mà Cộng Hòa Tổng Thống là một dạng đó). Và thực tế cũng không phải là một ý kiến thuần lương chuyển hóa về dân chủ, nhưng lựa chọn mô hình tổng thống.

Chúng ta cần ý thức được rằng một giai đoạn cuối cùng của chế độ độc tài đảng trị sẽ dẫn đến sự hỗn loạn toàn diện và một tập thể độc tài không còn khả năng đưa ra quyết định chính trị, một sự chuyển hóa rất tự nhiên là chuyển hóa về độc tài cá nhân. Điều đó cũng có nghĩa là chế độ buộc phải tiến hành thanh trừng những thành phần chống đối, hoặc ngay cả bị tình nghi là chống đối để trao quyền lực và lợi ích từ một số đông và một thiểu số nhỏ hơn và một cá nhân. Đó có thể là điều Tô Lâm muốn hoặc không phải, nhưng chúng ta cũng hiểu rằng trước một tình trạng chế độ vẫn còn cố thủ với dân chủ như hiện tại, bất cứ ai cầm quyền cũng sẽ bị trượt theo xu hướng này. Nhưng điều đó có nghĩa là sự chuyển hóa về độc tài cá nhân sẽ dẫn đến những sự đàn áp, bắt bớ và thanh lọc một cách kinh khủng, mà sẽ còn trầm trọng hơn các cuộc đốt lò chống tham nhũng từ thời ông Nguyễn Phú Trọng. Không khí khủng bố và chia rẽ này sẽ biến bất cứ ai trong đảng CSVN trở thành nạn nhân chính trị chỉ vì họ đã không chủ động tổ chức để giải tán để mở đường cho một cuộc chuyển tiếp về dân chủ đa nguyên.

Điều chúng ta cũng cần nhờ là thực ra Trung Quốc kể từ khi Tập Cận Bình lên làm chủ tịch nước cũng đã là một dạng tổng thống chế về nội dung. Trước một tình trạng hỗn loạn của đảng, họ đã trao tất cả quyền lực và bộ máy đàn áp cho Tập Cận Bình. Bạn có thể phản đối nhìn nhận này, nhưng có một điều cần phải nhìn nhận là về bản chất nó cũng không khác gì tổng thống chế vì một cá nhân đã có quyền thâu tóm bộ máy, sử dụng triệt để quyền hành pháp để trấn áp trong nội bộ đảng và thi hành cai trị đất nước. Tất nhiên thì anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên cũng đã có nhiều phân tích tại sao Tập Cận Bình sẽ thất bại. Tôi tin rằng ngày thất bại đó sẽ sớm được nhìn thấy trong một vài năm tới. Cần lưu ý rằng, Tập Cận Bình đã đưa ra những giải pháp giả tạo và thực tế làm trầm trọng hóa vấn đề của Trung Quốc. Theo ý kiến cá nhân của tôi, có thể ngày sụp đổ của họ sẽ đến khi chế độ cảm thấy họ buộc phải tiếp tục mở rộng kênh đào mang tên Dự án dẫn nước Nam Bắc- có nghĩa là dẫn nước từ vùng thấp hơn phía Nam thuốc sông Giang Tử tới các vùng công nghiệp ở phía Bắc tốn kéo 70 tỷ đô và chuyên trở 44.8 tỷ tấn nước hàng năm để chấm dứt tình trạng hoang hóa và thiếu nước ở phía Bắc. Nó sẽ đặt miền Nam Trung Quốc vào một sự bất mãn đỉnh điểm, và câu hỏi tại sao họ phải chịu đựng một công trình hủy hoại toàn bộ môi sinh, và tài nguyên của họ để cứu một miền Bắc Trung Hoa đã đại diện cho chính quyền Trung Ương trong đế chế đàn áp họ suốt chiều dài lịch sử. Trong một vài năm kể từ khi hoàn tất và vận hành hết công suất, tình trạng bạo loạn có thể xảy ra ngay lập tức. Dù chúng ta không muốn một đế chế Trung Quốc bạo loạn, nhưng đặc tính đế chế và sự chuyển hóa về địa chính trị, và các mẫu thuẫn tích tụ trong Trung Quốc sẽ làm nguy cơ đó trở nên trực diện hơn bao giờ hết. "Tổng thống Tập Cận Bình" đã được trao quyền lực để đoàn kết quốc gia cộng sản, nhưng đảng cộng sản TQ cũng chỉ chia rẽ hơn; và đảng CSTQ cũng không thể đoàn kết đế chế Trung Hoa đang ngày càng phân cực.

Chúng ta cũng phải nói về Gorbachev, thực ra là một người tương đối lương thiện và sáng giá trong chế độ Cộng sản Liên Xô. Ông ta cũng “tổng thống hóa” chế độ Cộng Sản Liên Xô bằng cách thâu tóm quyền lực, và tạo dấu ấn cá nhân để chấm dứt tình trạng chia rẽ và “cứu đảng”. Nhưng những chính sách glasnost and perestroika của ông cũng chỉ là một sự chạy rượt đuổi, hay tự diễn biến về một điều gì bắt buộc phải đến; để rồi mùa đông năm 1991, ông tuyên bố giải thể Liên Bang Xô Viết. Yeltsin là tổng thống Nga đầu tiên và cũng đã đắc cử năm 1996, dù là đối thủ chính trị của Gorbachev, ông cũng thi hành những chính sách mở cửa và đổi mới tương tự, để rồi cũng thất bại ê chế vì giải pháp phải được đặt ở một tổ chức chính trị chứ không nằm ở một cá nhân. Các bạn có thể nhìn lại giai đoạn đó trong bài viết Chúng ta học được gì từ một cuộc chuyển hóa dân chủ thất bại tôi có viết năm 2018.

Những cá nhân như Gorbachev và Yeltsin đã biến mất và không còn ai nhớ vè họ dù họ đã từng chiến thắng một cách tuyệt đối. Nhưng đằng nào thì những người này cũng là những người cởi mở và ít hung bạo. Còn với những cá nhân bạo ngược, vẫn duy trì ý chí đàn áp trong một giai đoạn như vậy, có lẽ họ sẽ là nạn nhân của chính bạo lực mà họ reo rắc.

Nhưng cũng có một con đường khác không đòi hỏi những đảng viên cộng sản hay đất nước chúng ta trở thành nạn nhân đó là con đường dân chủ đa nguyên. Nghĩa là:

  • Tôn trọng quyền con người, cùng những quyền cơ bản của dân chủ- tự do ngôn luận, tự do ứng cử và bầu cử, tự do hội họp và biểu tình được tuyên ngôn trong Hiến pháp.
  • Chúng ta chấp nhận với nhau đất nước Việt Nam cần hòa giải và chúng ta mở ra tiến trình đó. Hòa giải ở đây là hòa giải giữa các thành phần dân tộc của đất nước, và hòa giải người Việt Nam với đất nước Việt Nam. Những đảng viên cộng sản Việt Nam cũng là một thành phần trong tiến trình hòa giải đó.
  • Chúng ta sẽ có những chính đảng lành mạnh, những sinh hoạt chính trị lành mạnh cấm các chính đảng nhận tiền từ tài phiệt. Các chính đảng phải tự tài trợ trước hết bằng đóng góp của đảng viên, và cảm tình viên, những đảng có tầm vóc sẽ được tài trợ thông qua gói 1% GDP một cách minh bạch.
  • Chúng ta mở ra một nền dân chủ đa nguyên chấp nhận mọi thành phần dân tộc, và tổ chức tản quyền bằng cách thành lập chính quyền vùng. Chúng ta tuyên bố từ bỏ tập quyền.
  • Một thể chế dân chủ đại nghị được tổ chức hợp lý thông qua hai hình thức đơn danh và bầu cử tỷ lệ
  • Những chính sách hợp lý khuyến khích tự do, sáng tạo, cùng những đầu tư hợp lý cho đất nước

Sự kiện một số nhân sĩ khuyên Tô Lâm nên đi về chế độ tổng thống thực chất là “vẽ đường cho hươu chạy” làm sao để duy trì quyền lực và lợi ích của một nhóm người trong tình trạng đất nước đang ở ngã ba đường và ở trong một tình trạng khẩn cấp- cần được dân chủ hóa. Trước tiên đây là một quyết định chống lại đất nước Việt Nam, chúng ta không thể chấp nhận một thái độ trí trá, bất lương về tri thức trong tình trạng đất nước đang cần một đường hướng di về dân chủ một cách quả quyết, và minh bạch. Thứ hai, nếu con đường tổng thống chế được chọn, nó sẽ chỉ gây ra thêm nhiều nạn nhân của những cuộc thanh trừng bắt buộc phải diễn ra, và thực tế thì Việt Nam cũng chẳng có những người như Gorbachev hay Yeltsin cho một cuộc hạ cánh mềm. Đất nước ta đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế song song với cuộc khủng hoảng tương lai đất nước cũng giống như cơn ác mộng đã hành hạ Gorbachev và Yeltsin. Tổng thống chế cùng với việc chấp nhận một đội “kỹ trị gia” bao gồm những nhân sĩ cũng không thể giải quyết được những vấn đề gốc rễ, vì những nhân sĩ không có những kiến thức đúng, họ chỉ ngộ nhận họ đúng đắn mà thôi. Để đi lên từ khủng hoảng kinh tế, chúng ta cần thực thi những chính sách hòa giải dân tộc, khuyến khích kinh tế đặt trên nền tảng tư doanh, chính sách tản quyền, cũng những đầu tư lớn cho tương lai mà chỉ có một tổ chức tuyệt đối lương thiên, và đã rốt ráo thảo luận mới có thể thực hiện được.

Chúng ta không ở trong thời đại tiền công nghiệp hóa hay giai đoạn công nghiệp than thép, để nói về những biện pháp kỹ trị, biện pháp nâng cao năng suất, “phát triển mũi nhọn”, “phát triển trọn lọc”. Một nền kinh tế thông tin, kinh tế tri thức, kinh tế của các giá trị vô hình đòi hỏi sự cải thiện không ngừng về dân chủ và mở rộng các quyền con người. Con đường tổng thống hóa sẽ mở ra kỷ nguyên mới của đất nước bằng một sự tan nát trong một tình trạng đã rất tan nát. Một điều khiến tôi hoảng hốt là những ý kiến đó được đề ra sau khi cả thế giới nhìn thấy sự xuống cấp về dân chủ tại Hoa Kỳ, trước nay chúng tôi nói tổng thống chế là một mô hình thất bại với ngoại lệ là Hoa Kỳ; nhưng ngày nay chúng ta không còn một ngoại lệ Hoa Kỳ: Hoa Kỳ là một chế độ tổng thống thất bại. Và như tôi trình bày ở trên, thực tế Trung Quốc cũng là một cuộc “chuyển hóa tổng thống” thất bại. Một trường hợp cũng phải nhắc đến là Rodrigo Duterte và đất nước Philippines; Durtete sẽ phải đối mặt với tòa án quốc tế và đi tù vì sự tàn bạo và vô học của ông ta, cũng là bi kịch của một cá nhân hung bạo, không có kiến thức chính trị vô tình đắc cử tông thống, và đất nước Philippines sẽ có một tương lai bất ổn, thiếu rõ ràng nhất trong những nước dân chủ Đông Nam Á vì họ lựa chọn mô hình tổng thống toàn nguyên, và học theo Hoa Kỳ triệt để nhất. Nói đến đây, Tô Lâm và những đảng viên trong đảng CSVN phải ý thức được rằng, họ (những người kêu gọi chế độ tổng thống) đang vẽ đường cho các vị đi vào những bi kịch lớn nhất của đất nước và cuộc đời của các vị nếu các vị thực sự nghe và làm theo.

Chúng tôi bằng mọi lương tri và tình yêu nước kêu gọi đất nước Việt Nam đoạn tuyệt với những kêu gọi đi về tổng thống chế, và quả quyết đi trên con đường dân chủ đa nguyên để đất nước chúng ta có một tương lai đáng kể trong Kỷ nguyên mới đây. Tôi cũng từng chia sẻ với anh em rằng, chúng tôi đấu tranh cho dự án Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, không phải một dự án chính trị nào khác. Đó là một dự án vô cùng tham vọng, và với cố gắng đúng nghĩa, chúng ta sẽ bước vào một tương lai mới và có những thành tựu, chỗ đứng trong một vài thập kỷ. Tuy nhiên, điều đó chỉ được đảm bảo nếu hôm nay, chúng ta đang đi về con đường dân chủ đa nguyên. Nếu con đường tổng thống chế được lựa chọn, tôi vẫn sẽ đấu tranh vì anh em chúng tôi, Trần Khắc Đức, Quách Gia Khang sẽ không từ bỏ đất nước. Nhưng có lẽ đó cũng sẽ là một tương lai hết sức khiêm tốn, và dẹo dặt. Tôi không thù ghét anh em nhân sĩ, ngược lại còn dành tình cảm đồng bào và cảm mến cho họl nhưng nếu anh em nhân sĩ nào đang ủng hộ tổng thống chế tôi chỉ có thể phiền muộn nói rằng lựa chọn của các anh ngày hôm nay là quyết định trí trá, hủy hoại tương lai của đất nước, và sẽ làm một cố gắng thực sự lâu hơn một đoạn nếu cách anh thành công.

Read more