Cùng nhìn lại loạt bài về địa chính trị Việt Nam trong Kỷ nguyên mới

Loạt bài viết này trước tiên không phải là một cố gắng giải thích các vấn đề địa chính trị một cách quá cặn kẽ và các vấn đề ngoài phạm vi đất nước Việt Nam như Trung Đông, Phi Châu. Đó là một cố gắng giải thích Việt Nam đang ở trong một bối cảnh địa chính trị thế giới nào, làn sóng dân chủ hóa sẽ tiến lên theo cách nào, và đâu là sức mạnh để chúng ta cùng nhau đi lên dân chủ hóa và đi lên một tương lai đáng mơ ước?
- Thấy gì qua những sự kiện đầu tiên của năm 2025
Đây là một bài viết ngắn tôi đã viết sau cuộc họp Diễn đàn kinh tếthế giới tại Davos trước một loạt những sự thay đổi về địa chính trị, và sự thay đổi về một bối cảnh thế giới mới đang gia tốc, cùng với sự trở lại của Trump và chủ nghĩa dân túy trên chính trường Mỹ. Bài viết là một lời khẳng định Trump và sự giải nhiệm của Hoa Kỳ sẽ không làm thay đổi những xu hướng lớn trên thế giới, và sự triệt thoái của Hoa Kỳ chỉ nhường chỗ cho một trật tự đa cực, và những giá trị, chuẩn mực mới đã được phần lớn thế giới nhìn nhận. Và trong một bối cảnh thế giới mới đó, dân chủ hóa và những cố gắng lương thiện của quốc gia vẫn là con đường duy nhất để đi vào một Kỷ nguyên mới.

- Việt Nam đang ở đâu và đi đến một tương lai nào
Như đã trình bày về thái độ chống đối dân chủ hóa của đảng CSVN cũng là một thứ "chủ nghĩa đơn phương" và tự cô lập. Và lập trường đó sẽ không thể đứng vững, Việt Nam cần hiểu chúng ta đứng ở đâu và đang đi đến một tương lai nào? Chúng ta đứng trong một khối địa chính trị được tạo bởi các quốc gia châu Á- Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, bao gồm những nền kinh tế mới nổi và nở rộ về các hoạt động thương mại và trao đổi. Khối này có một trọng lượng lớn, và một sự ổn định tương đối để có một chỗ đứng trong một trật tự thế giới mới. Tuy nhiên khối châu Á- Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng sẽ phải xét lại trước sự sắp đặt lại của làn sóng toàn cầu hóa, vai trò suy giảm của Trung Quốc vì thể chế độc tài và bản chất đế quốc của họ là một mối nguy c ho định hướng trong khu vực, và một phần là vai trò lớn mạnh hơn của Ấn Độ. Đó sẽ chỉ có thể là một khối châu Á- Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương chọn lọc hơn, và đòi hỏi những cố gắng tự thân về dân chủ hóa. Trước một Việt Nam trong một tập hợp địa chính trị đang chuyển dịch, chúng ta thực tế cũng buộc phải chuyển dịch, dân chủ hóa quả quyết để tiếp tục tham gia, và có tiếng nói trong một trật tự đa phương, hay tự cô lập mình bằng việc chống dân chủ hóa và duy trì chủ nghĩa đơn phương; trở thành một nền dân chủ để có một tương lai đảm bảo, hay trượt về khối những nước độc tài và không có một tương lai rõ ràng. Bài viết khẳng định dân chủ hóa vẫn là chọn lựa và nhiệm vụ của địa chính trị Việt Nam.

- Dân chủ hóa Việt Nam: Sẽ không cần một cuộc chiến tranh lạnh để tiến tới
Bài viết này là một cố gắng của tôi trình bày về một bối cảnh mới của thế giới trước những kỳ vọng của về một cuộc chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Đầu tiên, cuộc chiến tranh lạnh là một điều Việt Nam không muốn vì đó là một khối di sản chia rẽ, và nội chiến đối với dân tộc chúng ta, và nhiều quốc gia trên thế giới. Phong trào dân chủ hóa Đông Âu đã nở rộ và đi đến thắng lợi vì đó là một cố gắng bất bạo động, xiển dương tinh thần liên đới, và đoàn kết. Một điều may mắn, là tầm vọng của một cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ nếu có sẽ chỉ là những màn đấu khẩu, vì cả hai thế lực này đều đang triệt thoái, và cần phải giải quyết những vấn đề nội bộ, và Hoa Kỳ không còn quả quyết với dân chủ; nhưng Trung Quốc cũng không có một ý thức hệ nào để hợp quần một lực lượng độc tài đối đầu với trật tự dân chủ, Trung Quốc cũng đang khủng hoảng về ý thức hệ, và định hướng tương lai. Trên tinh thần đó, sức mạnh của dân chủ hóa của Việt Nam vẫn là một cố gắng tự thân, một phong trào bất bạo động, và tinh thần hòa giải dân tộc.

- Liên minh Đại Tây Dương tan vỡ trong một trật tự dân chủ hóa da tốc
Tôi viết bài viết này trước một sự kiện tan rã của Liên minh Đại Tây Dương, và sự chấm dứt của vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ chỉ hai ngày trước cuộc cãi lộn giữa Donald Trump-Vance và Zelensky. Tất nhiên sự triệt thoái này đã đưa đến những tình trạng khẩn cấp như thế cục tại chiến trường tại Ukraine đòi hỏi châu Âu phải có những cố gắng to lớn để bù đắp. Tuy vậy, về lâu dài đây cũng chưa chắc đã là một điều đáng lo ngại bởi vì một trật tự thế giới được lãnh đạo bằng sự độc đoán của Hoa Kỳ và một ví dụ tồi dở về dân chủ Hoa Kỳ mang lại chưa chắc đã là điều có lợi cho dân chủ hóa. Sự triệt thoái của Hoa Kỳ chỉ có thể là sự đi lên của làn sóng dân chủ hóa một cách lành mạnh, và tự thân hơn. Với Việt Nam và trong một tập hợp địa chính trị Châu Á- Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương, con đường duy nhất để bước vào một kỷ nguyên mới vẫn là một cố gắng dân chủ hóa và xây dựng một thể chế dân chủ lành mạnh.

- Dân chủ hóa phản công để giành thế chủ động
Nhưng triển vọng nào để dân chủ giành lại thế chủ động trước một giai đoạn dân chủ đã có xu hướng triệt thoái nhẹ trước những sự xáo trộn, và tình trạng bất ổn trên thế giới.
Đầu tiên, tại châu Âu bao gồm Đông Âu và những khu vực thuộc Liên Xô cũ, dân chủ sẽ tiến tới nếu châu Âu đảm đương được các vấn đề về an ninh, tăng cường quân sự để đảm bảo các chế độ độc tài Nga-Belarus không manh động, và đặt những phong trào bất bạo động vào thế đảm bảo và tiến công.
Thứ hai, là sự chấm dứt của một làn sóng dân chủ hóa xô bồ không đặt trên những ứu tiên về dân chủ, và nhân quyền; không khiến khích dân chủ hóa: các quốc gia đang cởi mở trở nên bất bình đẳng hơn vì lợi ích từ toàn cầu hóa chỉ thu về một số thiểu số, sự xuống cấp về môi trường; và nếu phong trào toàn cầu hóa bài bản và bớt xô bồ hơn, các nước đang cởi mở sẽ có nhiều chuẩn bị, nhiều ưu tư hơn trong cải thiện thể chế, và mở rộng các quyền tự do dân chủ. Do đó, sự chấm dứt của phong trào toàn cầu hóa xô bồ sẽ đặt lại những cố gắng tự thân để cải thiện thể chế, quyết tâm về xây dựng dân chủ hóa.
Thứ ba là sự chấm dứt thái độ tự mãn, và lối làm chính trị thực tiễn của các nước phương Tây khi hợp tác, bắt tay với lực lượng độc tài mà không có một cơ sở nào. Họ đã tự đánh mất chính mình bằng sự vụng về của chính họ. Các nước dân chủ lâu đời phương Tây cũng sẽ có những sự cứng rắn hơn trong các cố gắng cải thiện thể chế dân chủ, nâng cao an ninh, và cứng rắn duy trì các giá trị dân chủ và nhân quyền trong hợp tác quốc tế.
Đó là những căn cơ để dân chủ phản công và giành lại thế chủ động. Đằng nào, nếu không có những áp lực dồn dập, những cố gắng can thiệp trực tiếp như trước đây Mỹ vẫn làm, dân chủ hóa vẫn phải tiếp tới, vì đó là thìa khóa duy nhất để hội nhập, và cứu quốc trong một bối cảnh thế giới mới
- Không chỉ Hoa Kỳ, những đầu sỏ độc tài trên thế giới cũng đang triệt thoái
Tôi viết bài viết này để mở rộng, và chứng minh rằng thực tế sự triệt thoái của Hoa Kỳ không phải là sự tiến tới của độc tài. Vì các đầu sỏ độc tài trên thế giới cũng đang triệt thoái. Nga không có nhiều triển vọng chiến thắng tại cuộc chiến ở Ukraine, nhưng nếu họ có làm được gì hơn thì Nga cũng không thể tiến công và bành trướng tại mặt trận châu Âu.
Trung Quốc đang gặp những vấn đề rất khó khăn về kinh tế, và một cuộc khủng hoảng đường hướng trong xã hội. Sự khó khăn đó không cho phép họ duy trì nguồn lực cho sáng kiến vành đai-con đường, và họ đang lặng lẽ triệt thoái dự án này khỏi khu vực và thế giới, từng được họ quảng bá như một sự bành trướng và thay thế cho cố gắng dân chủ hóa. Sự triệt thoái này chắc chắn sẽ làm vỡ mộng những ảo tưởng của các chế độ độc tài nếu họ nghĩ rằng họ có thể dựa vào Trung Quốc, hoặc những cố gắng tăng trưởng giả tạo thông qua vay mượn để đầu tư công, phát triển cơ sở hạ tầng, và ngành xây dựng thiếu tính toán và chỉ để giả tạo tăng trưởng kinh tế (xem thêm về sự phá sản của lối làm kinh tế cẩu thả và hoang dại ở loạt bài Cùng nhìn lại loạt bài: Chuyển đổi kinh tế để đi vào Kỷ Nguyên thứ hai.
Dân chủ hóa vẫn phải đi lên vì đó là lựa chọn cứu nước khi mà bối cảnh địa chính trị đã hình thành hai khối rõ rệt- không có một tương lai rõ ràng, và chìm trong khủng hoảng vì không dân chủ hóa như Lào, Myanmar, Cambodia; hoặc có một tương lai đảm bảo một cách tối thiểu vì những cố gắng dân chủ hóa cơ bản như Malaysia, Indonesia, và Philippines.

- Những người cộng sản hãy từ bỏ "Vành đai- Con đường" trong chính mình
Một bài viết để khép lại loạt bài về địa chính trị dân chủ trong bối cảnh Kỷ nguyên mới, đó là sự khẳng định Dự án Vành đai Con đường đã triệt thoái, lối làm kinh tế cẩu thả và hoang dại đã phá sản; đó không còn là một con đường, một lựa chọn cho đảng Cộng Sản Việt Nam để tiếp tục lãng phí thời giờ của đất nước.
Xu hướng kỹ trị của Tô Lâm và một cố gắng chuyển hóa về độc tài cá nhân (nếu có) cũng sẽ không đem lại một kết quả gì vì thế giới trong một bối cảnh mới yêu cầu một triết lý mới về quản trị kinh tế, và quản trị đất nước hiện đại và tiến bộ; nó không cho phép sự tồn tại của lối cai trị độc tài, nó cũng không còn phù hợp với kỹ trị (điều mà có lẽ chỉ được bàn tới trong một thời đại tiền công nghiệp mà thôi).
Lời kết
Dân chủ hóa là một lựa chọn, một nhiệm vụ địa chính trị của đất nước chúng ta; và chúng ta phải phấn đấu vì một tương lai dân tộc, và chỗ đứng của chúng ta trên khu vực và thế giới. Và cố gắng đó chắc chắn sẽ giản dị, dễ hiểu hơn rất nhiều khi nó được lãnh đạo bằng một tinh thần hòa giải; hơn là những cố gắng thiếu lương thiện như chuyển hóa về một chế độ kỹ trị vẫn duy trì sự độc đoán và ngột ngạt trong xã hội, hoặc một chế độ độc tài cá nhân, đòi hỏi chế độ phải thanh trừng và triệt hạ nhau để dẹp bỏ một tập thể đảng trị đưa quyền lực và lợi ích về một tập thể nhỏ hơn.