DÂN CHỦ PHẢN CÔNG ĐỂ GIÀNH THẾ CHỦ ĐỘNG

Bài viết này được viết vào thời điểm dân chủ thế giới có dấu hiệu đi xuống nếu xét theo những số liệu dân chủ trên toàn cầu:
Nếu nói lạc quan thì ngày hôm nay thế giới của chúng ta vẫn là một thế giới dân chủ chiếm áp đảo (2/3), tuy vậy thì hơn 1/3 (39.2%) dân số thế giới và 60 quốc gia, vùng lãnh thổ vẫn sống trong chế độ độc tài (có nghĩa là đã tăng lên 8 so với năm 2014) (theo Economist Intelligence).
Ngay cả những nước dân chủ ổn vững nhất thì phong trào dân túy có dấu hiệu mạnh lên, trong cuộc bầu cử vào năm 2025, đảng dân túy AfD đã nắm được 20% số phiếu phổ thông.
Hoa Kỳ, vốn luôn là một đảm bảo của thế giới dân chủ hiện nay đã là một nước dân chủ khiếm khuyết (flawed democracy); đáng quan ngại là Donald Trump tái đắc cử đã đặt nền dân chủ Mỹ vào tình trạng suy yếu bằng cách đặt những con người khiếm khuyết, thiếu tầm nhìn, và không có lập trường dân chủ lên nắm quyền; xu hướng cai trị bằng đạo luật (rule by decrees) và lạm dụng quyền hành pháp; và tệ hại hơn là chính quyền Trump đã đẩy đối ngoại của mình xuống mức thấp nhất về uy tín cũng như tinh thần dân chủ khi bỏ phiếu chống lại lên án Nga xâm lượng tại Liên Hợp Quốc, hoãn mọi khoản viện trợ của Ukraine trong khi đòi bỏ cấm vận của Nga.
Tại mặt trận châu Á, Hàn Quốc vốn là một đảm bảo của dân chủ cũng trải qua nhiều sóng gió, tại Trung Đông Israel trước kia vẫn có một uy tín về dân chủ nhưng giờ đây bị nhìn như một vấn đề lớn.
Rõ ràng trong một thập kỷ vừa qua, dân chủ đã đi xuống nếu nhìn vào những số liệu. Mặt khác, một sự xuống cấp về không khí và thể chế dân chủ trong thời gian về qua không có nghĩa là dân chủ sẽ không tiến tới trong thời gian sắp tới. Chúng ta cũng cần những phân tích cụ thể để nhận diện cuộc khủng hoảng dân chủ hiện tại.
- Sự kết thúc của toàn cầu hóa không gắn liền với dân chủ hóa
Đầu tiên, chúng ta phải xét đến toàn cầu hóa như một nguyên nhân xô bồ khiến dân chủ hóa triệt thoái trên thế giới. Toàn cầu hóa đáng lẽ ra là một xu hướng hợp tác tự nhiên, kêu gọi cởi mở và tăng cường trao đổi về con người và văn hóa, nhưng dù sao đó cũng là một phong trào lớn; cần một tổ chức hợp lý và đảm bảo tính bền vững, cũng như các nguyên tắc để hoạt động chứ không thể thực hiện một các xô bồ được. Thế giới phương Tây đã cố xúy toàn cầu hóa theo hướng: chỉ cần các bạn có con người, tài nguyên, và một sự cởi mở với phương Tây, chúng tôi sẵn sàng giang hai tay chào đón các bạn. Sự đầu tư ồ ạt vào toàn cầu hóa đã khiến nhiều quốc gia đang phát triển thay vì lựa chọn dân chủ hóa, hoặc quả quyết hơn với dân chủ hóa dù đã có dân chủ lại chọn quyết định triệt thoái trong dân chủ, vì họ tin rằng sự giàu có và nguồn tiền của phong trào toàn cầu hóa đem lại sẽ che lấp được mọi bệnh tật trong xã hội. Nếu nhìn xung quanh chúng ta thấy bất bình đẳng tại Indonesia và Mã Lai trở lên trầm trọng hơn, đời sống tại Philippines có phần còn suy giảm, với một lớp người gần như không có khả năng thăng tiến trong xã hội; những bất ổn chính trị vẫn kéo dài tại Thái Lan. Thành thực mà nói đó là những nước đã phải dân chủ rất quả quyết nếu phong trào toàn cầu hóa được thiết kế một cách thận trọng hơn. Một nước cần phải kế đến là đất nước Việt Nam của chúng ta, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã nhiều lần chỉ ra vấn đề về ngoại thương của Việt Nam chiếm trọng lượng tới 250% GDP và 30% ngoại thương phụ thuộc vào Hoa Kỳ, và điều đó sẽ dẫn đến những bất ổn, và thậm chí là sụp đổ kinh tế trong một bối cảnh thế giới biến động; tuy tai hại là vậy, cám dỗ của toàn cầu hóa đã khiến cho chế độ CSVN một mặt từ chối dân chủ hóa, một mặt thay vì ưu tư làm sao để phát triển một thị trường nội địa ổn vững, cải thiện đời sống và mức lương cho người lao động và bảo vệ môi sinh thì lại lựa chọn trở thành một đất nước gia công, xuất khẩu với giá thành lao động và hy sinh điều kiện về môi sinh. Tất nhiên, không thể đổi lỗi hoàn toàn cho toàn cầu hóa mà chúng ta cũng phải lên án sự tối tăm của các cấp lãnh đạo chế độ; nhưng phải nói rằng miếng bánh toàn cầu hóa cũng góp phần vẽ chế độ Việt Nam vào một con đường phát triển sai, chỉ gần đây họ mới thừa nhận muộn màng về phát triển kinh tế phải gắn liền với phát triển con người, phải đảm bảo môi sinh, phải trở thành nền kinh tế bậc cao chứ không thể làm gia công rẻ mạt, nhưng bằng giải pháp nào thì họ hoàn toàn không để cập. Tuy nhiên, cũng phải nói khi chúng ta nói phong trào toàn cầu hóa thì chúng ta nó là một hợp thành của các nền kinh tế bậc cao phương Tây bao gồm Hoa Kỳ và châu Âu; và khu vực châu Á-Thái Bình Dương bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, các nước Nam Á và Đông Nam Á. Trong đó hai nước đáng kể nhất là Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Sự xô bồ của toàn cầu hóa chắc chắn bắt đầu từ quyết định hợp tác sâu sắc về kinh tế và thương mại với Trung Quốc của Hoa Kỳ dù trước đó Trung Quốc đã gây ra thảm sát Thiên An Môn vào năm 1989, một tội ác nhân quyền khủng khiếp. Đó có lẽ là một tiền đề sai trái về đạo đức, và một sự phản bội giá trị dân chủ. Một tiền đề mà khi nhìn lại, chúng ta hiểu tại sao phong trào toàn cầu hóa xô bồ đem lại thất bại và đưa đến sự xuống cấp của các nền dân chủ thế giới. Ngày hôm nay, chúng ta thấy tiến trình dân chủ hóa có vẻ đứng yên tại chỗ dù nó có mọi triển vọng phải tiến tới, và đó là một hệ quả của hơn 2 thập kỷ của một phong trào toàn cầu hóa nở rộ về thương mại, kinh tế, nhưng lại không đặt trên một ưu tư về dân chủ. Một sự thực may mắn là phong trào toàn cầu hóa xô bồ đang chấm dứt và một mặt toàn cầu hóa sẽ không thể chấm dứt, nhưng chắc chắn rằng sự tổ chức lại của toàn cầu hóa sẽ đem đến một thế giới lành mạnh hơn. Tức là, thay vì một niềm tin mù quáng rằng cứ để dòng tiền, và sự thực tiễn tiến tới, và trước sau gì thay đổi chính trị và cải tổ thể chế sẽ theo sau. Cho tới ngày hôm nay, tiến trình cải tổ thể chế, thay đổi chính trị phải đặt trước hết và như một điều kiện tiên quyết để hội nhập vào một trật tự toàn cầu hóa mới như tôi đã trình bày trước đó. Cũng cần nói thêm là sẽ không có một nỗ lực nào cô lập bất cứ một quốc gia nào vì lý do chính trị cụ thể, tuy nhiên việc từ chối dân chủ hóa, và cải thiện thẻ chế sẽ khiến mình tự cô lập. Phong trào toàn cầu hóa này sẽ khiến các nước phát triển và tư bản thu gọn chuỗi cung ứng của mình về những khối kinh tế, đồng minh, hay thị trường mà họ cảm thấy quen thuộc và tương đồng về văn hóa, lẫn thể chế chính trị. Mặt khác, đại dịch Covid và sự phá sản của dự án Vành đai con đường cũng đã làm những đổ vỡ nhất định về tài chính thế giới, nên việc quyết định đầu tư dựa trên một sự ổn định, và bảo đảm bởi tinh thần đồng minh là càng được đặt lên trên hết.
Một điều hết sức nghịch lý của toàn cầu hóa là những người chiến thắng và thành công nhất lại tự tuyên bố mình là kẻ thua cuộc. Hoa Kỳ ngày hôm nay là quốc gia thu hút được nhiều tư bản, và các siêu tập đoàn lớn nhất. Nhiều startups sau một giai đoạn phát triển ở tổ quốc của mình đã rời sang Mỹ để gia tăng phát triển về quy mô và tiếp cận một thị trường tiêu dùng lớn hơn với lượng FDIs luôn dẫn đầu thế giới. Những nhân tài, kỹ thuật viên tốt nhất của đã chọn di cư đến Hoa Kỳ. Họ cũng là người khởi xướng lên phong trào toàn cầu hóa ngày hôm nay để rồi nước Mỹ của Trump đã đóng vai nạn nhân, họ cho rằng sự hào phóng của họ bị thế giới “lạm dụng” (!?) Chính quyền Trump gây thương chiến với thế giới (ngay cả với Mexico và Canada vốn là hai người láng giềng của họ) nhưng không biến rằng một lượng lớn những người bị ảnh hưởng cũng có những doanh nghiệp của Mỹ đặt trụ sở sản xuất tại nước ngoài. Hoa Kỳ như một gã khổng lồ điên loạn dẫm đạp lên chính dầu chân (footprints) của mình. Những sự điên loạn trong thời điểm này sẽ dẫn đến một hệ quả nào: có lẽ là gia tốc sự kết thúc của trật tự toàn cầu hóa cũ mà có mọi lý do để kết thúc.
- Nền dân chủ tự đánh mất chính mình
Về mặt lý luận, thế giới ngày hôm nay vẫn là một thế giới dân chủ chiếm áp đảo với dân chủ là một mô hình “ưu việt” nhất. Có một thời điểm trong đại dịch Covid, nhiều người cho rằng Trung Quốc với một xã hội đề cao tinh thần tập thể, và sự hy sinh sẽ chống chọi với đại dịch Covid hơn một xã hội dân chủ với sự đề cao “cá nhân”. Tuy nhiên, chúng ta đã thấy đây là một lập luận sai lầm và chủ quan. Các nền dân chủ đã làm tốt hơn trong nỗ lực đảm bảo an sinh, và liên đới xã hội trong điều kiện dịch Covid, thể chế dân chủ vẫn đủ thẩm quyền để duy trì các trật tự và quy định phòng chống dịch tễ mà không vi phạm quyền con người, một mặt đã điều chế ra vaccines và kết thúc đại dịch. Trong khi Trung Quốc đã kết thúc đại dịch muộn hơn phương Tây, với những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và tổn thương trong xã hội; với sự nổi dậy của phong trào Giấy Trắng như một cọng rơm làm gãy lưng con lạc đà. Nhưng chúng ta có thể thấy sự triệt thoái gần đây là một sự suy giảm về tinh thần dân chủ và sự thất bại trong những nỗ lực cải tổ thể chế dân chủ kịp thời tài chính các nền dân chủ lâu đời. Hay nói cách khác là dân chủ đã tự hủy hoại chính mình bằng sự vụng về (failing on its own terms), hơn là triệt thoái dưới sự áp lực của độc tài.
Hoa Kỳ là một ví dụ điển hình nhất trong sự vụng về đó. Bước ra khỏi chiến tranh lạnh, các lãnh đạo của Hoa Kỳ từ George W. Bush, Bill Clinton, Obama đều có một thái độ ngạo mạn và cho rằng sự toàn thắng đó là “điểm cuối của lịch sử”, và chú nghĩa tự do phóng khoáng (liberalism/neoliberalism) là một lựa chọn duy nhất. Đó là một lập luận coi kinh tế chỉ là thị trường tài chính, và coi chính trị chỉ là kinh tế. Điều đó đã dẫn đến những thất bại của chính trị Hoa Kỳ trong những quyết tâm về phúc lợi xã hội, và đảm bảo an sinh cho quần chúng, điển hình là y tế và giáo dục. Trong một xã hội bất bình đẳng hơn với sự xuống cấp của tầng lớp trung lưu và sự nghèo đi của một nửa dân số thu nhập thấp (bottom 50%), tình trạng bấp bênh và thiếu liên đới xã hội đã khiến người dân tin rằng thể chế dân chủ đã không hoạt động vì quyền lợi cho họ, và họ nếu như vậy thì họ không có nghĩa vụ phải bảo vệ một nền dân chủ không có thực chất, thậm chí còn phải đập phá nó. Chính tâm lý này đã dẫn đến việc Trump đặc cử vào năm 2016 và đắc cử thêm một lần nữa vào năm 2024. Cũng cần nhấn mạnh là nước Mỹ tuy là nhà lãnh đạo của thế giới tự do những Mỹ cũng chưa từng trải qua một thảm họa về độc tài, và không có những ký ức sống trong các chế độ độc tài toàn trị, do đó Hoa Kỳ đã bị ngã gục trước làn sóng của chủ nghĩa dân chủ một cách chóng vánh. Ngày hôm nay, Mỹ là cường quốc sở hữu những tập đoàn lớn, nhưng quy mô này lại đem lại một sự cứng nhắc và khiến cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ nội địa không thể cạnh tranh, và có chăng quy mô đó khiến họ không thể sụp được (too big to fail) để rồi mỗi khi có khủng hoảng kinh tế thì chính quyền phải cứu những tập đoàn này trước những người quần chúng cũng đang gặp khốn đốn. Sự linh động trong xã hội đã giảm, sự bế tắc trong việc kiểm soát súng khiến bạo lực trong xã hội gia tăng; và Hoa Kỳ lộ nguyên hình như một mô hình thất bại (failed state).
Nếu chúng ta tiếc nuối vì sự đi xuống của dân chủ Hoa Kỳ, chúng ta cũng phải nhìn nhận đây là một sự cố ý và vụng về khiến dân chủ tự suy thoái, chứ không phải do một áp lực từ một ý thức hệ độc tài. Những người dân thường đã đóng thuế, và là những cử tri với tấm phiếu hợp lệ, nhưng lá phiếu của họ đã không thể hiện trong các chính sách của chính quyền, hay là đảm bảo để họ được nâng đỡ; nhưng những tập đoàn tài phiệt không có lấy một lá phiếu dân chủ, nhưng họ đã dung tiền để gây ảnh hưởng lên các cuộc bầu cử tổng thống và bầu cử quốc hội; và tác động lên được các chính sách và thuế má có lợi cho họ. Phải nói rằng dân chủ Mỹ đã không lành mạnh trước khi nó lâm nguy vì đã có một chính giới Mỹ sẵn sàng chấp nhận một lối sinh hoạt phi dân chủ bất chấp mọi cảnh báo, mọi ưu tư về đạo đức chính trị trước khi dân chủ rơi vào khủng hoảng. Nhưng sau Trump sẽ là một tương lai nào cho Hoa Kỳ? Có lẽ cần rất thận trọng để đưa ra một dự đoán, nhưng sự sụp đổ của hình tượng Hoa Kỳ như một “mẫu mực” về dân chủ sẽ góp phần lành mạnh hóa tiến trình dân chủ hóa, và cải tổ thể chế tại nhiều quốc gia đang cởi mở. Hơn nữa, Hoa Kỳ dù triệt thoái, nhưng vẫn sẽ là một thể chế dân chủ, vì thực tế những bang giàu có nhất, và thành công nhất của Hoa Kỳ đều đã bầu chống Trump và chủ nghĩa dân túy, họ vẫn sẽ là những đảm bảo nhất định để giữ cho Hoa Kỳ không sa vào một chủ nghĩa độc tài; nhưng Hoa Kỳ đang gặp phải vấn đề phải triển khai dân chủ trên quy mô của một liên bang.
Các nước châu Âu có nhiều ưu tư về cải tổ thể chế, duy trì liên đới xã hội, và xây dựng một nền pháp trị lành mạnh, cùng những cố gắng xây dựng luật điều tiết kinh tế thông tin, đầu tư, trí tuệ nhân tạo, môi trường và xã hội, vv. trước khi những xu hướng kinh tế mới bùng nổ tại châu Âu. Đó là một hướng đi đúng đắn hơn, nhưng họ không hoàn toàn vô can khi để cho dân chủ thế giới triệt thoái. Đức đã từng rất cởi mở với Nga và còn xây dựng hai đường ống dẫn khí gas (Nord Stream 1 và Nord Stream 2) dẫn dầu từ Nga về Đức, và đặt Đức lệ thuộc vào Nga về vấn đề năng lượng. Nhưng năng lượng là một vấn đề an ninh quốc gia vì mọi cuộc khủng hoảng về năng lượng có tiềm năng trở thành khủng hoảng chính trị. Tại sao họ có thể bất chấp Nga là một nước độc tài, là một nước có tư tưởng đế quốc để Đức lệ thuộc vào họ trên một vấn đề an ninh như vậy? Nhất là trong hoàn cảnh Nga đã là một lực lượng tài trợ cho Assad tại Syria và lực lượng thủ cựu tại Iran, Nga đã gây chiến với nhiều quốc gia lân bang trong đó có Georgia, và Ukraine, và châu Âu gần như đã phớt lờ khi Nga xâm chiếm bán đảo Crimea vào năm 2014.
Trong một bối cảnh mà các nhà nước độc tài vẫn chiếm 1/3, và có lẽ 1/3 là những nước đã có dân chủ nhưng không thực sự quả quyết, các nước dân chủ đã đạt độ chín và ổn vững có lẽ cũng chỉ chiếm 1/3 trên thế giới, có lẽ ưu tư đặt dân chủ ở trạng thái tiến công vẫn sẽ đặt ra đối với thế giới. Khả năng hai chế độ độc tài lớn nhất là Nga với Trung Quốc dùng áp lực để o ép và cản trở tiến trình dân chủ hóa của những nước bỏ lân bang cũng ít đặt ra dần vì hai nước này đang trong một tiến trình sụp đổ với Nga gần như đã sa lầy và sẽ sụp đổ dù kết quả cuộc chiến như thế nào, và Trung Quốc cũng đang khốn đốn trước nguy cơ sụp đổ về kinh tế, và khủng hoảng tư tưởng chính trị. Tuy nhiên, ưu tư về quốc phòng và an ninh để bảo vệ cho thế giới dân chủ vẫn đặt ra, vì đó là một nhu cầu rất thực tế để kiểm soát những “cơn điên” từ các lực lượng độc tài, và đảm bảo những xung đột dù có nổ ra thì vẫn sẽ được giải quyết nhanh chóng với sự hiện diện của quân lực khối dân chủ và lực lượng gìn giữ hòa bình. Dù lực lượng đó sẽ không dùng để gây chiến, đem quân vào lật đổ các thể chế độc tài, nhưng dân chủ không thể yếu đuối trước đầu súng của các nước độc tài. Họ phải giữ được thế phòng thủ về quân sự, quốc phòng trên những phòng tuyến quan trọng như Đông Âu, Biển Đông và Thái Bình Dương, phải có lực lượng bình ổn tại Phi Châu và Trung Đông; và nhờ đó thế giới có một nền hòa bình tương đối để cho tư tưởng, và các phong trào bất bạo động được đặt trên thế tiến công
Khi xâm lược Ukraine, Putin cũng nhìn thấy sự yếu đuối của chính quyền Mỹ, và Mỹ không còn là một đảm bảo về an ninh cho khối dân chủ. Trước đó cũng không ai ngờ rằng Mỹ sẽ rút quân khỏi Afghanistan để cho Taliban tùy tiện kiểm soát và triệt tiêu chính quyền dân chủ tại đây. Thế giới cũng gần như bất lực trước sự thiếu kiềm chế của Do Thái và Thổ Nhĩ Kỳ. Trên mặt trận châu Á- Thái Bình Dương chúng ta cũng thấy sự hung bạo và tùy tiện của chính quyền quân đội Myanmar khi đảo chính lật đổ một chính quyền dân sự được bầu thông qua thể thức dân chủ. Trong một bối cảnh thế giới còn chia làm ba phần như đã trình bày việc có một quân lực để đảm bảo cho an ninh của thế giới dân chủ, và đảm bảo không một thành trì nào của dân chủ nào bị đe dọa là rất cần thiết. Và việc châu Âu đã lệ thuộc vào Mỹ trong vấn đề an ninh của ngay cả chính mình là một sự sai lầm. Họ đã không làm gì dù đã có những dấu hiệu rất rõ ràng từ năm 2014 thời của Obama rằng Hoa Kỳ sẽ không còn là một đảm bảo, và còn là một sự bất ổn cho an ninh thế giới. Nhưng tại sao lại sai lầm tệ hại như vậy? Có lẽ chúng ta có những chính trị gia mẫu mực, khuôn pháp của ngành quản lý tài chính, và đầu óc thực tiễn đã không cho họ đưa đến những quyết định bắt buộc phải làm, và phải làm cấp tốc để đảm bảo một tương lai cho nền dân chủ; họ đã hành động như những người quản lý rủi ro và tín chỉ bầu cử ngắn hạn.
- Dân chủ sẽ phản công?
Bất chấp cuộc khủng hoảng hiện tại, chúng ta cũng không nên bi quan cho rằng dân chủ sẽ tiếp tục triệt thoái. Ngược lại, chúng ta nên lạc quan nghĩ rằng ngày dân chủ hóa tiến tới trên thế giới và Việt Nam sẽ không còn xa. Nếu năm 2014, thế giới dân chủ và châu Âu đã nhìn Ukraine với một con mắt nghi kỵ và nghĩ rằng họ không thành thực với dân chủ; cho đến ngày hôm nay, không còn ai nghi ngờ Ukraine là một đồng minh dân chủ và họ đang chiến đấu để bảo vệ tiền tuyến dân chủ tại mặt trận châu Âu. Việc tăng cường quốc phòng (ít nhất là lên tới 3.5% rồi 5%) và những cứu trợ khẩn cho Ukraine ở tình trạng không có Hoa Kỳ đúng là rất khó khăn, nhưng điều này là gì so với sự giàu có của châu Âu và chẳng thấm tháp là bao với hậu quả để Ukraine thất thủ. Trong ngày hôm nay (3/4/2025), thủ tướng Ukraine Shmyhal cũng nói họ có đủ phương tiện để duy trì phòng tuyến của họ (dù có thể một điều kiện khó khăn). Chúng ta cũng khâm phục Ukraine về sự bền bỉ và dẻo dai của họ trong suốt thời gian qua. Nhưng cũng không nên quân rằng họ đã chiến đấu trong âm thầm một thập kỷ để tiến lên trong dân chủ, và thể hiện quyết tâm dân chủ hóa và sát lại gần châu Âu trong hoàn cảnh ít được ghi nhận, và châu Âu vẫn tin tưởng và hợp tác với Nga, một nhà nước thực tế có xu hướng can thiệp và triệt tiêu dân chủ tại Ukraine. Họ đã chiến đấu vì dân chủ trong âm thầm và những điều kiện ngặt nghèo nhất.
Tại Đông Âu nhìn chung, vẫn còn những lực lượng không mấy thân thiện với dân chủ như Hungary, hay Romania. Nhưng Ba Lan và các nước Baltic đã nổi lên như những đảm bảo mới cho dân chủ. Chúng ta cũng chứng kiến lực lượng dân chủ đang giành giật lại tư thế phản công của mình tại Georgia và Slovakia với các cuộc biểu tình lên tới hàng trăm ngàn tới hàng triệu người, đưa mặt trận này vào một không khí hết sức sôi động.
Tôi đã nhiều lần phân tích về triển vọng dân chủ tại mặt trận châu Á- Thái Bình Dương; nếu ngoại trừ Trung Quốc thì các nước độc tài toàn trị cũng chỉ là một thiểu số nhỏ trong khu vực này. Đồng thời, sự đặt lại của phong trào toàn cầu hóa ở trên cũng sẽ khiến các quốc gia châu Á Thái Bình Dương phải quả quyết hơn trong dân chủ hóa, và cải thiện thể chế bằng chính nội lực của mình nếu không muốn tự cô lập mình, và chìm trong viễn cảnh bất ổn. Có lẽ, tôi sẽ không phải nhiều lời vì chính chế độ Cộng sản Việt Nam cũng thấy rõ những mối nguy về bất ổn, sụp đổ xã hội, khủng hoảng về kinh tế đan xen với khủng hoảng chính trị tại Việt Nam. Ông Tô Lâm và các nhà lãnh đạo đảng cũng liên tục kêu gọi đổi mới, dù đổi mới bằng cách nào, những nội dung và nguồn lực nào thì họ không biết hoặc trình bày hời hợt để che đậy sự bất lực của chế độ.
Chúng ta có tiềm năng dân chủ vì chúng ta được đặt trong một khu vực bắt buộc phải có dân chủ và một vành đai dân chủ châu Á Thái Bình Dương nối từ Bắc Mỹ, đại bộ phận của Nam Mỹ, Nam Phi, Ấn Độ, Úc và các nước Đông Nam Á đại lục và Đông Nam Á Hải Đảo; tới tận khối dân chủ Đông Á bao gồm Đài Loan, Hàn Quốc, và Nhật Bản. Đây là một vành đai vô cùng quan trọng vì nó đảm bảo tự do hàng hải, tự do thương mại, và đặt khối dân chủ thế kiểm soát hai đại dương lớn. Chúng ta nói về việc châu Âu tái vũ trang, nhưng cũng không thể loại trừ Nhật Bản sẽ sớm tái vũ trang và một liên minh về an ninh trước tiên là sự kết hợp của Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Úc sẽ manh nha hình thành. Mặt khác, những nước chưa có dân chủ, hoặc bị triệt thoái trong vành đai dân chủ này cũng đứng trước những hạn kỳ dân chủ mới. Bangladesh sau tất cả buộc phải trở lại tiến trình dân chủ hóa, Thái Lan tiếp tục phải dân chủ hóa mạnh mẽ hơn nữa, và liệu chính quyền quân phiệt tại Myanmar có thể khất lần hạn kỳ bầu cử bắt buộc phải đến kể từ sau cuộc đảo chính?
Triển vọng dân chủ và những làn sóng dân chủ hóa tại các quốc gia đang cởi mở vẫn đang nổ ra, và gia tốc. Tuy nhiên, nó đã không có một sự hậu thuẫn đúng nghĩa bởi các nước dân chủ vì chính họ cũng chìm trong cuộc khủng hoảng bởi sự vụng về và lúng túng sau một giai đoạn mải mê với chủ nghĩa phóng khoáng và thái độ tự mãn của mình. Phương Tây đã thực thi toàn cầu hóa một cách sai lầm gây ra đổ vỡ về thể chế ở các chính quyền quốc gia, đã lơ là về an ninh với hậu quả là những nhà nước độc tài như Nga và Trung Quốc thỏa sức dùng vũ lực hoặc quyền lực mềm chèn ép, và cản trở dân chủ hóa ở các nước nhỏ, họ còn lệ thuộc những vấn đề an ninh vào các chế độ độc tài tồn tại rủi ro về an ninh, lệ thuộc quốc phòng vào Hoa Kỳ dù biết họ chắc chắn sẽ triệt thoái khỏi vai trò lãnh đạo.
Nhưng, những sai lầm đó đã được nhận diện, và thế giới dân chủ đang chạy đua với thời gian để khắc phục những sai lầm này. Thời điểm các nước dân chủ họp một phiên họp về an ninh và Ukraine, và kết thúc bởi những cam kết phải viện trợ thần tốc cho Ukraine và gia tăng quốc phòng để thay thế vai trò cung cấp an ninh cho thế giới dân chủ sẽ là một thời điểm bước ngoặt và đặt dân chủ lên thế phản công. Dân chủ sẽ tiến tới, và tại những vùng đất đã không còn chiến tranh (ngoại trừ Myanmar) như Đông Nam Á, hay rộng hơn là châu Á- Thái Bình Dương, tiến trình dân chủ hóa có lẽ sẽ không còn gặp nhiều trở ngại.
Dân chủ hóa đang có một triển vọng phản công và lấy lại thế chủ động trên mọi mặt trận vì những cuộc khủng hoảng dân chủ đã bị nhận diện và có lời giải.
- Chế độ Cộng Sản Việt Nam có nên cố thủ?
Vấn đề của Việt Nam là dường như sự tối tăm của lực lượng độc tài toàn trị đã không cho phép đất nước đi lên một cuộc chuyển hóa bắt buộc. Tuy nhiên, Việt Nam từ chối dân chủ hóa và không nằm trong vành đai dân chủ đó, chúng ta sẽ không còn một tương lai nào, một đảm bảo về an ninh hay hội nhập. Trong bối cảnh đó, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã được biết đến như một lực lượng của những giải pháp và khả năng lãnh đạo các ý kiến lớn. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã đấu tranh và mang đến nội hàm cho cuộc vận động dân chủ hóa ở Việt Nam ở những thời điểm tinh thần dân chủ trên thế giới, và trong nước yếu đuối nhất. Ngày hôm nay, những lập trường lớn của THDCDN như hòa giải dân tộc, dân chủ đa nguyên, và đường lối đấu tranh bất bạo động; những chính sách kinh tế đề cao liên đới môi sinh, và liên đới xã hội cùng với một Hiến pháp đề cao nhân quyền, một nhà nước liên bang tản quyền, một chính quyền trung ương nhẹ,... dân đã trở thành những lựa chọn của tương lai. Khi chế độ Cộng sản Việt Nam càng đi vào bế tắc thì những lập trường của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên càng chứng tỏ đã là những lập trường duy nhất có sức nặng và tầm vóc để mở ra Kỷ nguyên mới của dân tộc. Hơn bất cứ lúc nào hết, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã là một đảm bảo lớn và gần như duy nhất của Việt Nam trên tiến trình dân chủ hóa.
Một câu hỏi đặt ra là liệu chế độ Cộng sản Việt Nam có bất chấp lý lẽ và chống cự không? Có một sự kiện ít được nhắc tới ở Baltic giai đoạn Liên Xô sụp đổ dẫn tới dân chủ hóa được gọi là Baltic Way: 2 triệu người đã nắm tay tạo thành một vòng tay lớn trải dài 690 km khắp ba nước Estonia, Latvia, và Lithuania (chiếm ¼ dân số ba nước này khi đó là 8 triệu dân). Ngày hôm nay, ba nước Baltic có một tương lai đảm bảo: những nền kinh tế thông minh, hiện đại; thu nhập bậc cao, và ổn định dân chủ mặc dù nằm ngay sát đế quốc Nga; lý do lớn nhất là câu truyện dân chủ hóa của họ xuất phát từ một sự kiện đầy tính hòa giải và liên đới. Đó cũng là một tinh thần Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên coi là sức mạnh của dân chủ và đang cố gắng khơi dậy trong lòng người Việt Nam. Vậy lý do gì để chế độ cộng sản Việt Nam chống cự, chọn những giải pháp triệt hạ, thanh toán nhau để “tự chuyển hóa” và đi tới một con đường không lối thoát, hoặc để đất nước chìm trong bất ổn và bạo lực, trong khi họ có một đảm bảo Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Trong cuộc vận động dân chủ hóa này, chúng ta đã phải chấp nhận nó khá lâu so với kỳ vọng của nhiều người vì nó là một cuộc vận động để khơi dậy tinh thần dân chủ, và lòng yêu nước trong mỗi con người Việt Nam, trong đó cũng có những đảng viên cộng sản. Nhưng chế độ không thể hiểu một khoảng thời gian kéo dài như hiện nay là một mình chứng chế độ có thể tồn tại, hay kháng cự trước áp lực dân chủ hóa; đó chỉ có thể là một thời gian để họ thoát ra khỏi sự u mê, nhận ra được tình trạng nạn nhân của mình, và chủ động là những tác nhân của dân chủ hóa.