Không chỉ Hoa Kỳ, những đầu sỏ độc tài trên thế giới cũng đang triệt thoái

1. Dân chủ hóa tiến lên tại châu Âu nếu Ukraine có thể cầm cự
Trong những ngày vừa qua, chúng ta đã chứng kiến một sự triệt thoái triệt để của Hoa Kỳ khỏi vai trò lãnh đạo của thế giới. Trong một sự chia rẽ và xuống cấp của nền dân chủ tổng thống chế của Hoa Kỳ và bầu không khí phân cực về chính trị, nước Mỹ đã bầu trở lại Donald Trump, bất chấp những nguy hại mà họ phải dự liệu trước. Donald Trump đã xét lại mối quan hệ giữa hai khối dân chủ Mỹ và châu Âu, và sự kiện phục kích để nhục mạ công khai Zelenskyy, và ép nhà lãnh đạo Ukraine phải chấp nhận một thỏa thuận hòa bình gần như đồng nghĩa với đầu hàng là một cái đinh đóng vào cỗ quan tài liên minh dân chủ Bắc Đại Tây Dương. Kể từ đây, chúng ta thấy được một đặc tính của giai đoạn chuyển mình, không có một mối quan hệ, một trật tự nào dù nó đã tồn tại, đã vững vàng trước đó không bị xét lại. Do vậy, tôi cũng luôn tin rằng khi các liên minh dân chủ bị xét lại và thậm chí sụp đổ, các chế độ độc tài lại có thể đứng vững là điều không thể.
Sự triệt thoái đó đã tạo ra những khó khăn trước mắt trước hết là cho Ukraine là tiền tuyến của châu Âu để chiến đấu lại sự xâm lược của Nga, nhưng cũng gia tốc đà chuyển mình của thế giới mới. Một phần của số phận thế giới sẽ được quyết định ở chiến trường Ukraine, liệu châu Âu có đi đến một đồng thuận, chịu một chút hy sinh để giúp Ukraine cầm cự trong cuộc chiến, hay họ để Nga thắng thế và với một hậu quả là sự thất bại về quốc phòng sẽ chuyển hóa thành thất bại về dân chủ, những lực lượng dân túy sẽ trỗi dậy trước sự thất vọng ê chề, và cộng thêm sự can thiệp vào các nền dân chủ châu Âu thô bỉ của Donald Trump và các thành phần cực hữu Hoa Kỳ. Một hậu quả to lớn có lẽ sẽ làm châu Âu không thể tính toán quá nhiều trong việc đảm bảo Ukraine ít nhất là không bị thất thủ trước Nga. Chúng ta không quên rằng chế độ Liên Xô và khối cộng sản Đông Âu dã sụp đổ khi không có một mũi súng, lưỡi gươm nào kề lên cổ họ. Đó là một sự chuyển hóa tự nhiên của lòng người, và niềm tin rằng dân chủ và nhân quyền đem lại cho con người phẩm giá và đáng mơ ước hơn các chế độ độc tài. Cho nên, nếu Ukraine có thể cố thủ ngay cả trong một năm, Nga sẽ kiệt quệ và lịch sử sẽ phán xét và kết thúc chế độ Putin. Làn sóng dân chủ hóa tại các nước như Slovakia, Serbia, và Georgia vẫn đang tiến tới với một làn sóng biểu tình lớn nhắm tới những kẻ nửa dân chủ, nửa mafia; và có thể chế độ của Viktor Orban tại Hungary cũng sẽ lung lay. Một sự cầm cự cũng quá đủ để dân chủ có thể tiến lên.
Tôi đã luôn nghĩ rằng, làn sóng dân chủ thứ ba tại Đông Âu và Liên Xô đã giải tán chủ nghĩa cộng sản, nhưng phương Tây đã chủ quan khi không chủ động giải tán chủ nghĩa đế quốc tại Nga. Phương Tây đã từng ngầm coi tâm lý đế quốc của Nga là một “tinh thần dân tộc” của họ và cần được tôn trọng. Và trong cuộc xâm lược Ukraine, những lực lượng thân Nga đã không nói gì khác ngoài việc nhắc lại lập luận đã từng được giới chính thống phát ngôn và pha thêm những tin tức giả. Hậu quả Nga đã hành xử như một đàn anh trong khu vực (regional hegemon) với áp lực về quân sự và bàn tay thép để trấn áp và dập tắt bất cứ quốc gia lân bang nào có xu hướng dân chủ hóa đất nước. Ngay từ năm 1994-2000, họ đã hai lần trấn áp lực lượng dân tộc tại Chechen; năm 2008 họ xâm lược Georgia, năm 2014 họ xâm lược bán đảo Crimea; và họ cũng hiện diện bảo kê cho các lực lượng độc tài tại Trung Đông như Assad tại Syria; và phương Tây hầu như đã im lặng hoặc chỉ lên án qua loa những hành động đó để mọi người chợt bang hoàng khi Nga lấy quyết định xâm lược Ukraine năm 2022, sau khi đã can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2016. Tinh thần dân chủ, và cởi mở của năm 1989 đã nhường chỗ cho một lối hành xử địa chính trị một cách thực tiễn không thể chấp nhận được, mà ở đó những nước nhỏ dù rất có quyết tâm dân chủ hóa (cụ thể như Ukraine) đã bị Nga đe dọa, và chống phá và gần như trong sự im lặng và nhạt nhòa của châu Âu dân chủ. Sự thất bại của Nga chắc chắn sẽ đem đến một sự dân chủ hóa triệt để trong khu vực thuộc Liên Xô cũ và có thể lan tới tận Trung Á.
2. Đế quốc Trung Hoa cũng trên đà triệt thoái
Nếu Hoa Kỳ sẽ triệt thoái buộc khối dân chủ phải sắp xếp lại. Nước Nga của Putin là một đầu sỏ trong khu vực cận Âu cũng sẽ triệt thoái nếu mặt trận Ukraine đảm bảo và dẫn đến sự dân chủ hóa triệt để trên châu Âu, chúng ta có thể dự đoán gì nếu thực sự đầu sỏ tại Á Châu- Thái Bình Dương là Trung Quốc cũng sẽ triệt thoái?
Trên cơ sở đó, chúng ta buộc phải bàn về một triển vọng dân chủ hóa khác tại khu vực Đông Nam Á hay nói rộng ra là châu Á-Thái Bình Dương. Một nét đậm của khu vực Đông Nam Á là chúng ta chịu chi phối sâu sắc bởi ảnh hưởng của Trung Quốc. Nếu xét trong một bối cảnh hợp tác đa phương, chúng ta sẽ không thể giải quyết nhiều vấn đề nếu thiếu đi sự hiện diện của Trung Quốc như vấn đề quản lý nguồn nước sông Mekong với các nước Đông Nam Á lục địa, và vấn đề biển Đông với Việt Nam và các nước Đông Nam Á Hải Đảo. Xét về vị trí địa lý và trọng lượng, Trung Quốc hoàn toàn có thể áp đảo bất cứ nước Đông Nam Á nào. Tuy hoàn toàn rất khác biệt về bản chất với Nga, Trung Quốc đã là một đầu xỏ lớn trong vùng, và ngay cả dù tích cực hoặc một cách thụ động, bản thân sự tồn tại của Trung Quốc như một chế độ độc tài toàn trị, là một đe dọa cho tiến trình dân chủ hóa trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam chúng ta. Vào thập niên 80 khi chế độ CSVN bị đặt trong một tình huống rất khó khăn, thay vì lựa chọn con đường dân chủ hóa, họ đã lựa chọn dập khuôn theo đuổi mô hình kinh tế đổi mới nửa vời dập khuôn và chấp nhận lệ thuộc vào Trung Quốc để tồn tại. Nhưng có thể tình hình đã thay đổi, vì Trung Quốc cũng đang trong một tiến trình triệt thoái.
Vừa qua, Trung Quốc đã tuyên bố là họ sẽ không thay đổi mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay. Vào tháng 11/2024, họ đã đưa tung ra một gói kích cầu trong 5 năm trị già 1.4 ngàn tỷ USD, hay gần 8% GDP của nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng bối cảnh chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ, và sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ khiến cho tiền Trung Quốc dùng để bơm vào nền kinh tế phải cao hơn mực dự tính. Vào năm 2025, chúng ta ghi nhận mức nợ công của Trung Quốc vào khoảng 18 ngàn tỷ (có nghĩa là đã tăng 1.8 lần so với năm 2020) (Nguồn: Statista). Tuy thế, rủi ro về nợ lớn nhất của Trung Quốc đến từ những phương tiện tài chính (dưới hình thức các công ty) được chính quyền Trung Quốc lập ra nhằm tiếp tục vay vốn khi mà họ không còn khả năng vay (Local Government Financing Vehicles-LGFVs), và con số này hoàn toàn không được tính vào nợ công; theo nguồn thống kê của ngân hàng dự trữ Úc thì con số này vào khoảng gần một nửa GDP trong năm 2024. Trung Quốc đã nới lỏng hoạt động tài chính, và chắc chắn rằng hiện nay Trung Quốc đang gặp những vấn đề lớn về khả năng tiếp tục cho vay và trả nợ. Nếu như họ tiếp tục theo đuổi mục tiêu tăng trưởng 5% bằng cách bơm thêm tiền vào nền kinh tế, Trung Quốc sẽ đi đến một tình trạng nào?
Điều không thể tránh khỏi và đã có những bằng chứng rõ ràng là sự triệt thoái, hay nói đúng hơn là sự giải tán toàn diện của dự án Vành đai Con đường mà cũng đã vượt qua một 1 ngàn tỷ đô vào năm 2024. Sáng kiến Vành Đai-Con đường là một cố gắng của Tập Cận Bình để xuất khẩu khả năng xây dựng dư thừa ra thế giới chính thức ra đời vào năm 2013 để cứu vãn tình trạng khủng hoảng ngành công nghiệp xây dựng của Trung Quốc, và một phần để tạo một hình ảnh Trung Quốc bành trướng và sẵn sàng thay đổi một trật tự thế giới dân chủ do Hoa Kỳ lãnh đạo.
Có những thời điểm ngay trong cuộc khủng hoảng nhập cư tại các nước châu Âu năm 2015, nó cũng đã vươn dài tới châu Âu trong đó có Italy, dự án Vành Đai Con Đường hiện diện tại châu Phi, Nam Mỹ, các nước Tây Á, và Trung Á, và khu vực Trung Đông, và trong đó có một phần quan trọng là khu vực Đông Nam Á. Có thể nói một cách thận trọng rằng chính dự án vành đai con đường đã cản trở tiến trình dân chủ hóa lành mạnh trong nhiều quốc gia trên thế giới- như Pakistan, vốn là một quốc gia có nhiều tiềm năng dân chủ, nhưng trong một giai đoạn sự bất mãn với Ấn Độ và sự vụng về của Hoa Kỳ, họ đã lựa chọn trở thành một phần của dự án Vành đai Con đường. Tại Myanmar, một điều đáng ngạc nhiên là Aung San Suu Kyi, nhà lãnh đạo dân chủ của Myanmar cũng lựa chọn theo đuổi dự án Vành đai con đường như một phương tiện để phát triển kinh tế đất nước. Chúng ta không quên rằng vào năm 2020, bà Aung San Suu Kyi đã ký với Tập Cận Bình 33 thỏa thuận hợp tác kinh tế và là sự nối tiếp của Hội đồng Vành đai Con đường được chính bà Aung làm chủ tọa vào năm 2018. Nhìn và những công trình được chính quyền bà Aung chấp thuận như đường sắt nối liền Trung Quốc và Myanmar, những đặc khu kinh tế (SEZ) như Kyaukpyu và cảng nước sâu sẽ giúp Trung Quốc đối đầu với Ấn Độ tại mặt trận Ấn Độ Dương và thành phố New Yangon, người ta sẽ khó tin đó là một lựa chọn của một lãnh đạo dân chủ hóa. Để khi cuộc đảo chính quân sự xảy ra vào năm 2021, người ta chợt nhận ra rằng để cho dân chủ triệt thoái và đổ vỡ quốc gia tại Myanmar, có một lỗi lầm lớn đến từ phía của bà Aung San Suu Kyi. Bà Aung San Suu Kyi thay vì lựa chọn dân chủ hóa thông qua một dự án chính trị, những chính sách kinh tế hài hòa, và sự hội nhập với kinh tế thế giới; bà một phần nào cũng tin vào thứ “phép màu” của Dự án Vành đai Con đường và còn vẽ ra một chính sách kinh tế gần như đưa Myanmar lệ thuộc vào Trung Quốc. Sự hiện diện của những dòng tiền có thể chi tiêu một cách bừa bãi đã mê hoặc nhiều chính quyền còn đang ngấp nghé ở ngưỡng cửa dân chủ, hoặc đang có nhu cầu đổi mới; cùng với tâm lý muốn những thành tích mị dân hoặc các lợi ích cá nhân đã cản trở tiến trình dân chủ hóa thành thực ở một số quốc gia mà nó ảnh hưởng.
Và trong một thế cuộc như vậy, từ những năm 2014, Việt Nam cũng bắt đầu nổi lên như một địa hạt cạnh tranh giữa Trung Quốc và phương Tây. Những chính quyền của Obama-Biden hay châu Âu đã nhiều lần ngỏ lời cho rằng Việt Nam nên trở thành một đối tác tin cậy của phương Tây.
Nhưng có phải một cố gắng duy trì thành tích 5% GDP sẽ khiến cho Trung Quốc phải triệt thoái một cách toàn diện trên dự án Vành đai Con đường. Ba ngày trước, Reuters đăng một nguồn tin đặc quyền về sự kiện Power China, một tập đoàn xây dựng ngành điện lực của Trung Quốc khởi kiện công ty quốc doanh của Lào (Lao utilities) đòi trả 555 triệu đô thanh toán chi phí xây dựng cho chuỗi dự án thủy điện Nam Ou được xây dựng tuyến thượng nguồn tỉnh Luang Pa Lang Bắc Lào (một dự án thuộc khuôn khổ Vành đai- Con đường) bao gồm 486.27 triệu đô tiền nợ đáo hạn và 65.79 triệu đô tiền lãi suất. Một điều khó hiểu là doanh nghiệp quốc doanh phía Trung Quốc đã đưa đơn kiện lên tòa án quốc tế tại Singapore, một phần chứng tỏ rằng đã có một sự đổ vỡ giữa Lào và chính quyền Trung Quốc, hoặc đơn giản là Lào hoàn toàn bất lực khi thanh toán khoản tiền này cho Trung Quốc. Nó chỉ là một chi tiết nhỏ trong bẫy nợ của dự án Đường sắt nối liền Lào và Trung Quốc, những nhà máy thủy điện được Trung Quốc xây dựng chặn dòng sông Mekong được xây cất để rồi không bán được điện cho Việt Nam hay Thái Lan. Cũng trong cùng thời điểm đó, chính quyền Lào ban hành một lệnh tạm hoãn cấp phép đầu tư những mỏ mới, không rõ đây có phải là một bước đi tránh áp lực từ Trung Quốc buộc Lào phải dâng thêm những mỏ quặng trước áp lực trả những khoản nợ sắp tới hay không. Trước sự rút lại các cam kết về nguồn vốn tài trợ của dự án 1.7 đô tỷ dự án Funan Techno tại Cambodia, và Trung Quốc cũng tuyên bố họ sẽ rút khỏi dự án sân bay Phnom Penh trị giá 1.1 tỷ đô. Các khoản cho vay, và viện trợ không hoàn lại theo dạng ODA của Trung Quốc cho Cambodia cũng giảm từ mức 400 triệu đô vào năm 2021 rớt xuống xuống dưới 50 triệu đô vào 2026. Ba nước Đông Nam Á lục địa là Myanmar, Lào, và Cambodia đều đã theo đuổi dự án Vành đai Con đường của Trung Quốc. Myanmar đã thất bại khi chưa kịp thực hiện một kế hoạch nào và chìm trong tình cảnh nội chiến; hai quốc gia còn lại là Lào và Cambodia sau một thập kỷ trở thành một phần của sáng kiến Vành đai-Con đường ngày hôm nay đã rơi vào tình trạng vỡ nợ, không những thế còn bất ổn về an ninh. Trung Quốc cũng đã bỏ mặc một cách không chính thức và không yểm trợ về tài chính để duy trì sự sống cho những chế độ này. Chúng ta sẽ không bất ngờ nếu thời gian tới cả Lào và Cambodia sẽ rơi sâu thêm vào một cuộc khủng hoảng không lối thoát (dù thực tế họ đã khủng hoảng). Tất nhiên, chúng ta vẫn có thể thấy những công trình cơ sở hạ tầng, những đầu tư của tư nhân Trung Quốc trên thế giới, ở những dự án khá an toàn và có khả năng chỉ trả đúng hạn theo khối lượng xây dựng với một đất nước đã có những thành tựu nhất định về công nghiệp và kỹ nghệ, và họ có thể làm với một giá thành rẻ. Nhưng nguồn lực và các khoản cho vay để xây dựng bừa bãi tại nước ngoài của Trung Quốc, hay nói cách khác chi tiêu cho Vành đai Con đường đã không còn. Một câu hỏi chúng ta cần phải đặt ra là liệu đã có một chỉ đạo không chính thức từ Bắc Kinh rằng họ sẽ rút toàn bộ những đầu tư liên quan đến Vành đai-Con đường, không những thế còn rút ra một cách thô bạo hay không? Họ đang bỏ chạy và trước tiên là chạy khỏi khu vực Đông Nam Á lục địa
3. Dân chủ vẫn sẽ tiến tới trên thế giới và tại Việt Nam
Nhưng khi dành một thời lượng lớn của bài viết này để bàn về sự triệt thoái của Trung Quốc và dự án Vành đai Con đường, chúng ta có thể kết luận gì? Một bối cảnh Hoa Kỳ đã triệt thoái và cùng với sự bất ổn trong các chuỗi cung ứng và thị trường tiêu thụ không cho phép chúng ta kết luận rằng hạn kỳ dân chủ hóa có thể trì hoãn. Hay nói cách khác là theo đầu óc thực tiễn của lãnh đạo chế độ, nếu vào ngày 13/3 này, cuộc điều đình về thương mại giữa ông Nguyễn Hồng Diên và Hoa Kỳ kết thúc trong thất bại, Việt Nam sẽ không còn một tiếp cận ổn định vào thị trường xuất khẩu Hoa Kỳ, vốn chiếm 30% GDP đất nước; họ sẽ phải chọn con đường khác, chẳng hạn gần hơn với Trung Quốc. Chế độ Cộng sản Việt Nam cũng cần ghi nhớ rằng đằng nào Trung Quốc cũng không còn là một đảm bảo cho họ và điều đó đã được ông Nguyễn Gia Kiểng trình bày từ những năm 2015 trong bài Khi thiên triều sụp đổ và lịch sử sang trang. Trung Quốc cũng đang trên đà triệt thoái và khả năng gần như tuyệt đối sẽ không tham gia tài trợ cho dự án đường sắt Bắc Nam, và tuyến đường nối liền giữa Trung Quốc tới Hà Nội, một dự án mà chế độ CSVN vẽ ra theo motif Vành đai Con đường và chỉ cầu mong sự đầu tư đến từ Trung Quốc.
Vào cuối tháng hai, ông Tô Lâm đã gặp hai nhà lãnh đạo Lào và Cambodia tại Dinh độc lập, và chúng ta không rõ họ có đủ cởi mở để thảo luận với nhau về tình hình khốn đốn của riêng mình, và đặt ra câu hỏi về số phận của các chế độ độc tài hay không. Không biết họ có nhận ra rằng từ chối dân chủ hóa là con đường hoặc là đi tới bất ổn, và hỗn loạn; hoặc là sẽ đưa đất nước mình vào tình trạng lệ thuộc không lối thoát để rồi cũng dẫn đến cảnh sụp đổ trong hỗn loạn sau một thời gian hay không?
Ngược lại, trong một thế giới đầy những bất ổn, dân chủ hóa thông qua những giá trị đúng như đề cao quyền cao người, phẩm hạnh; những chính sách kinh tế hợp lý như đề cao tư doanh, sáng tạo, phát triển thị trường nội địa lành mạnh, và một nền kinh tế hài hòa với môi sinh; cùng với những cam kết về các giá trị tiến bộ và nỗ lực hội nhập vào thế giới lại nổi lên như một một điều kiện để Việt Nam hay bất cứ một quốc gia nào có một tương lai đảm bảo.
Nhưng rõ ràng trong một thế giới có nhiều biến động như hiện nay, không có một mối quan hệ, một yếu tố nào sẽ là đảm bảo cho một quốc gia khi mà mọi thứ có thể bị xét lại hay diễn biến trong một vài tháng. Dân chủ hóa là một đảm bảo duy nhất trong một thế giới biến động. Có thể khối Đông Nam Á Hải Đảo như Philippines, Indonesia và Mã Lai còn phải tiếp tục một chặng đường dân chủ hóa của mình một cách kiên quyết hơn, nhưng họ dường như đã có một chỗ đứng và một tương lai đảm bảo.
Những nước đã duy trì chế độ độc tài hoặc không thành thực với dân chủ trong một giai đoạn họ mượn “Vành đai và Con đường” như một giải pháp đã sụp đổ và chìm trong hỗn loạn như Myanmar, Lào, và Cambodia. Chế độ cộng sản hiểu rằng đất nước Việt Nam sẽ lựa chọn đứng vào hàng ngũ nào?
Hoa Kỳ đã triệt thoái khỏi vai trò lãnh đạo trong khối dân chủ, nhưng cũng không có nghĩa là dân chủ sẽ triệt thoái, nhưng hai đế quốc độc tài là Nga và Trung Quốc cũng đang khốn đốn và buộc phải triệt thoái khỏi những khu vực, địa hạt mà họ từng có ảnh hưởng. Đúng là thế giới đang thiếu một nhà lãnh đạo dân chủ sau khi Hoa Kỳ từ nhiệm nhưng dù sao thiếu vắng một nhà lãnh đạo vẫn hơn một nhà lãnh đạo tồi tệ. Mặt khác, những ông trùm độc tài trong khu vực (regional hegemon) cũng đang rút lui; và những sự hăm dọa, sự chống đối dân chủ hóa đến từ Nga hay Trung Quốc cũng không còn nữa. Và câu hỏi đặt ra là nếu từ chối dân chủ hóa thì sẽ dẫn đến kết cục nào?
Tổng Thư Ký John W.H thuộc Phòng Thương Mại Quốc Tế (International Chamber of Commerce) nói rằng Hoa Kỳ tuy mạnh và quan trọng nhưng cũng chỉ chiếm 13% các vấn đề thương mại thế giới, nhưng 87% còn lại của thế giới vẫn có thể tự tổ chức lại trong một bối cảnh Hoa Kỳ rời bỏ trật tự thương mại đa phương và gây thương chiến. Nhiều nước dân chủ còn lại trong đó có châu Âu sẽ buộc phải tìm đến nhau và tìm đến những đối tác thay thế (ngoài Trung Quốc). Trong đó những đối tác tiềm năng và chiến lược để hợp tác là khối dân chủ Đông Á bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, và Đài Loan; khối dân chủ Nam Mỹ, ; khối Đông Nam Á và Đông Á bao gồm những nền kinh tế mới nổi và bắt đầu có một mức dân chủ tương đối (bao gồm 2.6 tỷ dân nếu tỉnh cả hai khối với một tiềm năng tương đương với Trung Quốc). Hoa Kỳ có thể trở lại hay không nhưng hợp tác quốc tế và những cố gắng chung của thế giới vẫn phải tiếp diễn.
Việt Nam cũng đứng trước những cơ hội hội nhập mới và dần tìm được một chỗ đứng đảm bảo. Nhưng có lẽ với một trọng lượng kinh tế chỉ 0.18% GDP thế giới, Việt Nam không có lựa chọn nào khác ngoài phải dân chủ hóa và dân chủ hóa thành thực nếu không muốn bị loại bỏ và tự mình cô lập. Thực tế Việt Nam cũng đã kỳ EVFTA với châu Âu để rồi vấn đề thực thi bị bỏ ngỏ vì vấn đề không có công đoàn lao động độc lập; hay nói cách khác là những hợp tác kinh tế, và thương mại đã bị ràng buộc vào các cam kết dân chủ hóa.
Trước đây, mỗi khi thế giới đi vào một bối cảnh mới, hoặc là họ sẽ tìm cách lệ thuộc vào Trung Quốc, hoặc là một số hứa hẹn để cứu sống chế độ từ Hoa Kỳ. Nhưng trong tình thế hiện nay, cũng có một lựa chọn khác, và một lựa chọn sáng suốt hơn là mạnh dạn đi về phía dân chủ hóa. Trong tình thế hiện nay, chế độ CSVN cần được cảnh báo là họ không nên thủ cựu, và phải từ bỏ ngay ý định xin cầu viện từ Trung Quốc vì nó đã không còn tồn tại, và nếu còn có một sự chống lưng của Trung Quốc, đó sẽ là một sự bán đứng đất nước với một kịch bản hỗ loạn của Myanmar. Lựa chọn cô lập và từ chối dân chủ hóa sẽ gây ra một tình trạng chia rẽ và hỗn loạn, nó sẽ là một cái kết buồn cho tương lai đất nước, có thể cũng đặt tính mạng và tương lai của những người đảng viên chế độ cộng sản trên một rủi ro lớn vì đằng nào mọi người Việt Nam, dù là đảng viên ĐCSVN cũng phải gắn bó với tương lai đất nước dù muốn hoặc không.
Mặt khác, những người muốn chuyển hóa cũng không nên tự nghĩ họ có thể chuyển hóa một mình bằng cách theo đuổi mô hình tổng thống chế, một mô hình đã phá sản cùng với sự triệt thoái của Hoa Kỳ và hình ảnh Donald Trump. Một chế độ độc tài cá nhân dựa trên mô hình tổng thống sẽ đẩy bản thân của người lãnh đạo đến một sự lầm tưởng rằng họ có thể thành công trong chính trị nếu có sức mạnh và quyền lực. Tuy nhiên, đó sẽ là một sự nguy hại cho chính bản thân của họ vì những người làm chính trị cá nhân, và mưu cầu quyền lực cá nhân thay vì một cố (gắng đấu tranh tổ chức, có dự án chính trị bài bản) thường chỉ gặp những thất bại ê chề. Sự chống trả dân chủ hóa không phải là giải pháp, nhưng loay hoay giải một bài toán chuyển hóa với một thái độ thiếu lương thiện cũng không phải là một giải pháp. Dân chủ hóa luôn cần một tổ chức chính trị đại diện cho một đội ngũ lương thiện, và một dự án chính trị bài bản.
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã luôn là một cố gắng dân chủ hóa đất nước trên tinh thần hòa giải và đã đưa ra những giải pháp đúng cho đất nước. Lựa chọn từ bỏ chế độ cộng sản và ủng hộ Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên không những là một lựa chọn của hoàn cảnh, nó còn là một lựa chọn yêu nước, và có lợi cho dân tộc, và đưa đất nước chúng ta đi lên một kỷ nguyên mới. Chưa bao giờ, đất nước chúng ta cần một giải pháp lớn như hiện nay: và chắc chắn cố gắng dân chủ hóa đại diện bởi Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là một đảm bảo lớn nhất; để đất nước Việt Nam sẽ đi lên dân chủ, sẽ có một tương lai đầy hứa hẹn trong một thế giới đang chuyển mình. Lúc này, chúng ta cần quả quyết nhất để lựa chọn một tương lai đúng cho đất nước!