Myanmar là một bài học cho thái độ thủ cựu và chống lại lập trường dân chủ hóa

Myanmar là một bài học cho thái độ thủ cựu và chống lại lập trường dân chủ hóa

Myanmar đang bước vào một thời kỳ đen tối

Thời điểm tôi viết bài viết này, là 4 năm sau cuộc đảo chính tại Myanmar, khiến xu hướng dân chủ hóa tại đất nước này bị triệt thoái và dẫn đến tình trạng hỗn loạn và nội chiến. Vào ngày 29/1/2025, một trận động đất đã xảy ra, dù là một thảm họa tự nhiên; nó đã giáng một đòn nặng vào tình trạng cùng cực của một đất nước Myanmar trên bờ vực phá sản và giải thể. Cơ sở vật chất bao gồm cầu đường, nhà ở vốn đã bị bỏ bê trong 4 năm bỗng chốc sụp đổ, và người ta dự báo rằng có thể có hơn 10,000 người chết trong trận động đất. 

Sau cuộc cuộc đảo chính, tôi có viết bài Myanmar- một nốt trầm của làn sóng dân chủ với một nhận xét lạc quan rằng lực lượng dân chủ sẽ trở lại cầm quyền trong một vài năm, và quân đội sẽ không đàn áp phong trào xã hội dân sự nổi lên sau cuộc đạo chính vì thế giới đã ở trong một bối cảnh mới mà mọi hành vi man rợ sẽ bị đào thải và lên án. Nhưng chúng ta đã không lường trước được sự tối tắm của những kẻ có đầu óc độc tài, họ đã lấy quyết định tắm máu phong trào biểu tình, chỉ trong một năm họ đã giết 1,500 người; và bắt giam hơn 8,000 người; một con số ngoài tưởng tượng trước một thời đại mới mà dân chủ và nhân quyền đã là những giá trị phổ cập. Tôi vẫn lên án cuộc đảo chính như một hành vi thiển cận của giới lãnh đạo, nhưng tất nhiên có lẽ họ vẫn có một đường lui nếu không đưa ra một quyết định đàn áp tàn bạo như vậy, để rồi phong trào bất tuân dân sự trên tinh thần bất bạo động đã giải thể để nhường chỗ cho phong trào kháng chiến vũ trang và các cuộc nội chiến giữa tatmadaw, và lực lượng kháng chiến dân chủ và các sắc tộc . Tất nhiên, đó là một xu hướng mà không ai muốn, tuy nhiên nó đã xảy ra và đưa Myanmar vào quá trình của sự sụp đổ. Một điều đáng tiếc khi phải nhìn nhận lại, tôi nghĩ rằng Myanmar sẽ đi đến ổn định và lực lượng dân chủ trước sau gì cũng quay trở lại cầm quyền, dù vậy tương lai của Myanmar trong một kỷ nguyên mới tới đây sẽ là một tương lai dặt dẹo, bấp bênh và gần như không có một chỗ đứng đáng kể trong khu vực và thế giới. Quân đội hứa là sẽ tổ chức bầu cử vào tháng 12 tới đây, dù nhiều người lên án rằng đó sẽ chỉ là một cuộc bầu cử giả dối; và họ cũng khó thể buông bỏ quyền lực vì có thể bị trả thù trong một đất nước đã tích lũy đủ mọi thù hận và đau thương ngay cả khi họ muốn từ bỏ quyền lực. Tháng 12 vẫn là một mốc thời gian bất định dù vẫn có nhiều khả năng nó sẽ đánh dấu sự sụp đổ của chính quyền quân đội. Dù sao, khi gây ra nội chiến và đặt bạo lực làm kim chỉ nam, họ đã tự đưa mình và đất nước vào một con đường hoàn toàn bế tắc.

Một giai đoạn dân chủ hóa thiếu lương thiện cần được nhìn lại

Chúng ta cần nhìn lại giai đoạn dân chủ hóa tại Myanmar bắt đầu từ năm 2010, kéo dài một thập niên cho tới 2021, và một giai đoạn giải thể đã kéo dài 4 năm để rút ra một bài học cho đất nước. Đầu tiên, tiến trình dân chủ hóa tại Myanmar thực chất không phải một tiến trình dân chủ hóa lành mạnh. Đúng là tướng Thein Sein đã chủ động từ bỏ chính quyền quân đội để thành lập chính quyền dân sự và cho phép bầu cử tự do và mở ra một tiến trình dân chủ tại nước này. Nguyên nhân của sự chuyển hướng đột ngột này là gì? Rõ ràng chúng ta nhìn nhận một sự đấu tranh rất quả cảm của giới trí thực, và hoạt động chính trị tại Myanmar trước họng súng của chính quyền quân sự, nhưng nguyên nhân chính có lẽ là thời điểm 2010 là khởi đầu cho một cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính và khiến chính quyền quân đội Myanmar bối rối, và họ thấy rằng những bối cảnh thế giới mới sẽ không cho phép một lực lượng quân sự cầm quyền, nếu cầm quyền thì chỉ dẫn đến một giai đoạn rối ren mà họ không có khả năng giải quyết. Lúc đó, họ nhìn sang Thái Lan như một  mô hình có thể học tập, nghĩa là tổ chức chính quyền dân sự nhưng lực lượng quân sự vẫn cầm quyền trên thực tế trong đất nước và cùng các thế lực tài phiệt kiểm soát các đầu mối, và tài sản quốc gia. Chẳng hạn như quân đội Thái Lan được quyền bổ nhiệm người của mình vào thượng viện, và có thể phủ quyết bất cứ ứng cử viên thủ tướng nào mà họ không muốn, nghĩa là có khả năng đảo ngược một kết quả dân chủ. Có một khả năng nữa là có thể những tướng lãnh chuyên trách hệ thống các tập đoàn, và hệ thống tài chính của quân đội nhận thấy lợi ích của hợp tác quốc tế, nếu các tập đoàn của quân đội hợp tác được với các công ty Nhật Bản hoặc phương Tây thì lợi ích mang lại sẽ rất lớn, nhưng để thực hiện được điều này họ cần một bộ mặt dân sự và một số cam kết với dân chủ.

Do đó, nếu nhìn lại đã không có một sự chuyển hóa dân chủ một cách quả quyết tại Myanmar, mà đó là một chính quyền dân sự, và các sinh hoạt dân chủ được cài đặt một cách gượng gạo vào một hệ thống vẫn được kiểm soát bởi lực lượng quân sự. Sự khởi đầu của tiến trình dân chủ hóa tại Myanmar được bắt đầu bằng một tính toán có chủ ý và thiếu lương thiện. 

Những điều kiện cần và đủ cho dân chủ hóa không có được

Nếu chúng ta nhìn lại một báo cáo nhân quyền của tổ chức Ân Xá Quốc Tế, thì phe quân đội kiểm soát hai đế chế kinh tế lớn, là Myanma Economic Holdings Public Company Ltd (MEHL)- tập đoàn kinh tế lớn nhất của Myanmar và Myanmar Economic Corporation (MEC). Và đế chế này kiểm soát cổ tức tại phần lớn các doanh nghiệp, và cơ sở kinh doanh trong xã hội. Ví dụ ngân hàng Myawaddy trước kia được kiểm soát trực tiếp bởi Bộ quốc phòng, nhưng họ đã tái cơ cấu vào năm 2016 để bộ quốc phòng không nắm trực cổ phần trực tiếp tại cơ sở này. Tuy nhiên, trên thực tế thì MEHL vẫn có cổ tức đa số tại ngân hàng Myawaddy và vẫn đặt trong sự kiểm soát của quân đội. Quân đội vẫn là một quốc gia riêng tại Myanmar, sở hữu đa số các tài sản, và kiểm soát hoạt động kinh tế quốc gia; nó có khả năng thực hiện các cuộc đảo chính, tội ác nhân quyền, và tồn tại dù có hay không ngân sách nhà nước. Một số tướng lãnh đương chức đương quyền tham gia vào việc kiểm soát và thâu tóm quyền lực chính trị, và những tướng lãnh nghỉ hưu chỉ để bắt đầu cho một sự nghiệp của những kẻ tài phiệt mafia. Về hệ thống chính trị, họ vẫn kiểm soát 25% số phiếu không thông qua bầu cử tại quốc hội, có nghĩa là lực lượng dân chủ dù thắng tuyệt đối cũng không có đủ đa số để thay đổi về Hiến pháp do phe quân đội đặt ra trước khi giải thể chính quyền quân sự để nhường chỗ cho tổ chức chính quyền dân sự.

Tất nhiên, chúng ta không bất ngờ trước những hành xử và cách sắp xếp đó của lực lượng quân sự, vì những kẻ độc tài luôn có xu hướng cố thủ trong quyền lực. Nhưng lực lượng dân chủ của bà Aung San Suu Kyi cũng đã có những sai lầm. Đầu tiên, phong trào dân chủ của Myanmar bắt đầu từ những năm 1990 đã không có những căn bản cụ thể. Lẽ ra, họ phải có một dự án chính trị, hoặc ít ra là một cương lĩnh cụ thể tuyên ngôn rằng dân chủ hóa của Myanmar phải bắt đầu bằng sự giải ráp của quân đội Myanmar cả về chính trị và kinh tế, và quân đội chỉ được phép tổ chức để thực hiện chức năng quốc phòng và bảo vệ đất nước. Thông điệp đó phải được đem ra đối thoại giữa các trí thức, và lực lượng cầm quyền, và đó là điều kiện bắt buộc cho cuộc chuyển đổi về dân chủ. 

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã bắt đầu tổ chức vào năm 1982, tuy lập trường của chúng tôi là hòa giải dân tộc, nghĩa là chấp nhận mọi lực lượng trong đất nước Việt Nam, ngay cả những người cộng sản đóng góp vào tiến trình dân chủ hóa đất nước. Tuy nhiên, nếu đọc Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, đó là một lập trường kiên quyết về xây dựng một nền kinh tế lành mạnh, đặt nền tảng trong tư doanh khuyến khích những hoạt động cạnh tranh có lợi, và ngăn chặn những hoạt động cạnh tranh, kiểm soát kinh tế có hại. Dự án Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai kêu gọi một tầng lớp doanh nhân đúng nghĩa, và khước từ sự kiểm soát, chiếm đoạt của những đầu sỏ, và tư bản đó. Nói về quân đội, chúng tôi cũng nói rõ là sẽ xây dựng một lực lượng quân đội nhẹ, tinh nhuệ; và quân đội cũng phải từ bỏ làm kinh tế khi tham gia vào tiến trình dân chủ hóa. Những điều đó, đều được Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên trình bày rõ ràng và không có ai nghi ngờ thái độ của chúng tôi cả.

Có thể đặt ra vấn đề này từ ban đầu khiến cho phe quân đội khó chấp nhận hơn và sẽ không có những chuyển biến vào năm 2010; tuy nhiên, nó sẽ đem đến một chiến thắng quả quyết và thuyết phục hơn cho phe dân chủ, dù với một quãng thời gian đấu tranh lâu hơn nhưng dân chủ hóa được bắt đầu với một thái độ lành mạnh, và nó cũng không dẫn đến một thảm cảnh như ngày hôm nay.

Trong bài viết, Không chỉ Hoa Kỳ, những đầu sỏ độc tài cũng đang triệt thoái, tôi cũng đặt ra vấn đề rằng bà Aung San Suu Kyi thực ra cũng rất tích cực tham gia dự án Vành đai-Con đường mà Trung Quốc khởi sướng ngay từ những năm 2011, bà Aung còn lập ra một hội đồng để nghiên cứu việc thực thi dự án trong khuôn khổ Vành đai- Con đường, và bà cũng không nhận thực được vấn đề địa chính trị trong tiến trình xây dựng dân chủ hóa ở Myanmar, và việc cho phép Trung Quốc gây dựng ảnh hưởng tại cửa ngõ Ấn Độ Dương là một điều một điều ngoài tưởng tượng với nhà lãnh đạo dân chủ. Cần nhấn mạnh là bà Aung San Suu Kyi cũng không chống đối sự hình thành của các đặc khu kinh tế; dù đó là một chính sách kinh tế tai hại, có rủi ro về chủ quyền lãnh thổ và cản trở sự hình thành của một nền kinh tế thị trường thức sự cởi mở và lành mạnh khi một vùng lãnh thổ được thực thi những chính sách kinh tế, được tổ chức theo cách riêng với phần còn lại của đất nước.

Tất nhiên, chúng ta cũng có thể nói rằng, giai đoạn từ năm 2010 và thập niên đó là một giai đoạn khá khó khăn, thế giới đã trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính, và phần lớn những nguồn vốn đầu tư, cơ hội mở rộng sản xuất của Hoa Kỳ và phương Tây vẫn dồn cho nền kinh tế Trung Quốc. Trong bối cảnh khó khăn đó, dự án Vành đai-Con đường và những hứa hẹn vẫn quá hấp dẫn để ngay cả chính quyền dân sự có thể từ chối. Tuy nhiên, dù sao bà Aung San Suu Kyi  và lực lượng dân chủ cũng không hiểu rằng thực ra cố gắng dân chủ là một cố gắng tự thân, việc đầu tiên lực lượng dân chủ có thể làm là lành mạnh hóa các hoạt động kinh tế thị trường khuyển khích tư doanh, bước đầu xây dựng thị trường nội địa, và những cố gắng đầu tư hợp lý về cơ sở hạ tầng (thay vì ồ ạt, và bất chấp). Cũng cần lưu ý rằng thực tế bối cảnh đầu tư của Myanmar không ảm đạm mà cũng có một giai đoạn sôi động; vào năm 2015, FDI Việt Nam rơi vào khoảng 12 tỷ, thì Myanmar cũng tăng lên 8 tỷ- nghĩa là tăng lên gấp đôi- và rào cản lớn nhất với vốn FDI thực sự chỉ là những tập đoàn kinh tế của Myanmar vẫn nằm trong danh sách đen của Hoa Kỳ cùng những đàn áp nhân quyền của phe quân đội mà thôi. Nền kinh tế cũng có những tăng trưởng vào trên 6%, đó cũng là một tăng trưởng chấp nhận được nếu thống kê đó là thực tế và lành mạnh. Nếu quá trình dân chủ Myanmar vẫn tiếp diễn cho đến ngày hôm nay, có lẽ Myanmar sẽ có thể còn nhỉnh hơn vốn đầu tư FDI Việt Nam, và thậm chí còn thực chất hơn. Nhưng dù sao; các con số, những thống kê của kinh tế không dự đoán được cuộc khủng hoảng chính trị, và sự sụp đổ chóng vánh của nền dân chủ, và quốc gia Myanmar.

Bước ngoặt cuộc khủng hoảng Rohingya và ý thức dân chủ đa nguyên

Vào năm 2017, cuộc khủng hoảng Rohingya nổ ra, và thế giới đã lên án bà Aung San Suu Kyi, người từng biết đến như một biểu tượng của dân chủ và nhân quyền trước thái độ im lặng, và lời lẽ ngụy biện của mình về vấn đề người Hồi Giáo tại Rohingya. Và chúng ta dần khám phá ra, nền dân chủ bà Aung San Suu Kyi đã đặt nền móng là một nền dân chủ có thể thỏa hiệp trước mọi điều kiện, chứ không phải một nền dân chủ đa nguyên. Vì không có một tư tưởng đa nguyên, bà Aung San Suu Kyi đã không nhìn nhận những người Hồi giáo như một thành phần của dân tộc và để mặc cho quân đội đàn áp và đẩy họ phải dư cư sang Bangladesh hoặc vượt biển tới Malaysia. Đó cũng là năm vốn FDI và đầu tư tại Myanmar giảm  900 triệu đô la Mỹ, phản ánh một xu hướng thất vọng của thế giới với nhà đầu tư. Quá trình dân chủ hóa của Myanmar đã diễn ra trong một sự tình cờ và một động thái dàn xếp có chủ đích của phe quân đội trước sự cám dỗ của lợi ích từ việc cởi mở kinh tế (liberalisation of the economy), trong 5 năm đầu tiên họ vẫn hành xử như một lực lượng thực sự cầm quyền, tùy tiện đàn áp, và can thiệp nếu cần. Lẽ ra với một đất nước đa sắc tộc, và cũng chia rẽ như Myanmar, bà Aung San Suu Kyi phải có một dự án chính trị nhấn mạnh tinh thần đa nguyên, hòa giải dân tộc, một đất nước của các sắc tộc và các cộng đồng, một lối tổ chức xã hội thực sự tản quyền, và thực sự cởi mở để mọi thành phần xã hội tham gia. Năm 2010 nếu có một sự nhượng bộ chính trị, đó phải là sự nhượng bộ của quân đội với những lập trường cụ thể đó. Tất nhiên, những lập trường chính trị tiến bộ không phải sẽ được chấp nhận và đàm phán trong một vài ngày. Nó phải được tuyên ngôn, thảo luận, và thuyết phục trong một hoặc một vài thập kỷ. Sự vắng mặt của một chuẩn bị về tư tưởng đã khiến cho thắng lợi năm 2010 là một thắng lợi tạm thời, và trống vắng. Để rồi, bà Aung San Suu Kyi chỉ có thể tiếp tục thỏa hiệp và tự biến mình trở thành công cụ cho lực lượng quân đội mà thôi.

Một đoạn kết buồn khép lại tiến trình dân chủ hóa thất bại

Và điều gì đến thì cũng phải đến vào năm 2021, khi quân đội đã làm một cuộc đảo chính lật đổ nền dân chủ của Myanmar. Nhưng nguyên nhân thực sự là gì cho sự điên dại đó? Người ta cũng chỉ có thể đưa ra các dự đoán. Có thể là chiến thắng gần như tuyệt đối của Liên Minh Dân Chủ (National League for Democracy), khiến cho phe quân đội cảm thấy hoang mang, và bị mất chỗ đứng trong tương lai. Cũng có thể họ cảm thấy rằng sự cởi mở về dân chủ sau một thập kỷ không đem lại những lợi ích mà họ mong đợi, vì các hoạt động kinh tế của họ vẫn nằm trong danh sách đen trong khi nếu tiếp tục đà dân chủ hóa thì, họ phải nhượng bộ trên những địa hạt kinh tế quan trọng chẳng hạn như ngân hàng, và viễn thông; mà họ coi như tính mạng của chế độ quân phiệt, cùng những cải tổ lớn về thể chế. Cũng có thể là kể từ năm 2017, sau cuộc đàn áp người Rohingya, dù có thể được phe quân đội đánh giá là một sai lầm của họ, FDI của Myanmar không được như mong đợi từ mức tăng trưởng 7.3% xuống mức chỉ khoảng 2% khiến cho phe quân đội cảm thấy họ không cần tiến hành nhượng bộ thêm về dân chủ; tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2015-2020 được đánh giá sẽ ở mức trên hai con số. Hoặc thái độ thân Trung Quốc hơn khi bị phương Tây bỏ mặc của bà Aung, điều mà thực tế phe quân đội cũng cảm thấy họ cũng làm được. Chúng ta cũng chỉ có thể đưa ra những dự đoán cá nhân mà thôi. Tuy vậy điều có thể khẳng định là trong một thập kỷ dân chủ hóa tại Myanmar, dân chủ đã được diễn ra trong một tinh thần dẹo dặt, thiếu mọi nội hàm cần thiết, và phe dân chủ cũng không có một cố gắng lớn nào về tư tưởng. Phe quân đội vẫn hành xử một cách ngang ngược, và vì tâm lý rằng dân chủ tại Myanmar chỉ là một sự sắp đặt có chủ đích của họ họ mang thôi (nghĩa là họ cũng không cần tôn trọng bất cứ một luật lệ dân sự nào). Đã không có sự chiến thắng nào về tư tưởng đi cùng, và dẫn dắt một sự chuyển hướng chính trị tại Myanmar, và để rồi nền dân chủ gục ngã bởi một sự mũ quáng. Sự triệt thoái của dân chủ đã mở ra một thời kỳ hỗn loạn, và nội chiến; nếu chấm dứt trong năm nay, có lẽ Myanmar vẫn còn một tương lai, dù sẽ là một tương lai trật vật. Nhưng nếu giai đoạn hiện tại kéo dài hơn trong thập kỷ này, có lẽ tương lai của Myanmar sẽ chấm dứt và đất nước đó sẽ đi đến một đoạn kết buồn.

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên và hy vọng vẫn còn đó cho đất nước Việt Nam

Như tôi đã trình bày trong các bài viết trước đó, cố gắng dân chủ hóa trong một cố gắng tự thân của các dân tộc. Điều đó nghĩa là có thể vẫn có một tinh thần liên đới trong một làn sóng, và không khí dân chủ hóa; nhưng những cố gắng dân chủ hóa, bao gồm cải thiện và lành mạnh hóa thể chế, sinh hoạt dân chủ, và mở rộng nhân quyền và các quyền tự do về dân sự và chính trị sẽ là yếu tố quyết định sự thành bại của một quốc gia trong kỷ nguyên mới, những triệt thoái hoặc sự sụp đổ của dân chủ sẽ ở giai đoạn này sẽ là sự sụp đổ về quốc gia. 

Đọc đến đây, tôi muốn nhấn mạnh cho người đọc lý do tại sao Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã tỏ ra không nhượng bộ về những lập trường dân chủ, dù một số an ninh, và người trong chế độ có thể nhìn nhận chúng tôi “cứng đầu” (thực sự anh em chúng tôi không cứng đầu, mà chúng tôi luôn tìm kiếm sự mềm mỏng, và đối thoại, nhưng chúng tôi không thấy cần thiết phải nhượng bộ những gì mình đấu tranh). Và những người đấu tranh trong phong trào cũng cần hiểu tại sao Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã kiên nhẫn trong cuộc vận động dân chủ này, đã chấp nhận đó là một quá trình cần có một thời gian dài, thậm chí đã kéo dài 40 năm để thuyết phục các lực lượng, và thành phần trong đất nước một cách quả quyết nhất về nội dung, và tinh thần của dự án Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai. Chúng tôi coi cuộc đấu tranh này như một cuộc đối thoại kéo dài nhiều thập kỷ trong một giai đoạn có thể sẽ đơn độc, trong một giai đoạn những ý kiến chỉ có thể trình bày ở vai trò đối lập, nhưng những lẽ phải, một tinh thần đa nguyên, hòa giải dân tộc, và một lối đấu tranh đứng đắn, tuyệt đối bất bạo động sẽ là sức mạnh lớn nhất để cuộc đối thoại đó kết thúc trong thắng lợi của dân chủ. Đất nước ngày hôm nay đang đứng trước một khúc quanh lịch sử, một bối cảnh mới; dân chủ hóa là một nhu cầu cấp thiết của đất nước. Chúng ta sẽ không có một tương lai nào nếu lập trường thủ cựu và chống lại dân chủ hóa thắng thế. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên và anh em chúng tôi sẽ đấu tranh đến cùng cho dân chủ, vì chúng tôi là những người yêu nước, và sẽ đấu tranh đến cùng vì tương lai của đất nước Việt Nam, và người Việt Nam. Hành động đàn áp thô bạo với hai chí hữu Quách Gia Khang, và Trần Khắc Đức là một hành động tăm tối, và gây ra những tai hại mà chế độ không ý thức được. Hãy ý thức rằng giá như chế độ quân phiệt Myanmar đã không lấy quyết định tắm máu học sinh, sinh viên, và những người biểu tình ôn hòa; có lẽ ngày hôm nay Myanmar sẽ có một tương lai khác. Những kẻ có súng, có lưỡi gươm có thể đàn áp an hem chúng tôi, và chúng tôi sẽ không lấy điều đó để tạo thêm sự thù hận cho dân tộc Việt Nam vì chúng tôi là những người bất bạo động và có tinh thần hòa giải dân tộc. Nhưng đáng tiệc thay, an hem chúng tôi cũng phải thẳng thắn nói cho chế độ biết rằng sự đàn áp đó nếu tiếp tục duy trì sẽ chỉ mở ra một giai đoạn tăm tối cho đất nước, và có thể là một tương lai tăm tối cho chính những người cộng sản. Dù sao, chúng ta vẫn là người có cùng một tổ quốc, và cùng yêu một nước Việt Nam.

Read more