Ngôn ngữ, nền tảng để đi vào Kỷ nguyên mới không thuộc về Đảng Cộng Sản Việt Nam

1. Chế độ CSVN đã không đưa đất nước tiến nhanh như họ ảo tưởng
Gần đây, chúng ta thấy được sự bối rối và sốt sắng của chế độ CSVN cố gắng thực hiện một cuộc chuyển hóa mà họ không thể làm được. Tô Lâm cụ thể mục tiêu của cuộc chuyển hóa đó là đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình (mà thực tế là trung bình thấp), thành một nước có thu nhập cao vào năm 2045, và một loạt các cuộc cải cách hành chính để chuẩn bị cho cuộc chuyển hóa này. Nhưng tại sao nói đây là một cuộc chuyển hóa không thể. Trong các bài viết gần nhất, tôi đã trình bày một ý kiến về sự phá sản của Dự án Vành đai-Con đường mà từng bị lầm tưởng là thay thế cho lựa chọn dân chủ hóa dựa trên xây dựng cơ sở hạ tầng và đầu tư công cẩu thả, bất chấp môi sinh. Tô Lâm, Phạm Minh Chính, hay nội bộ của đảng Cộng Sản Việt Nam đủ tin tức và khả năng tình báo của những người trong cuộc để biết rõ hơn tôi về sự phá sản này. Theo thiển ý của tôi thì sự sụp đổ của dự án Vành đai- Con đường, cùng những sự triệt thoái của Trung Quốc cũng là một phần (mà một phần không nhỏ) khiến họ phải loay hoay tìm cách “chuyển đổi” nền kinh tế. Tô Lâm cũng đã có những cố gắng nhất định học hỏi và phát biểu để chứng tỏ cho người ta thấy rằng ông đang tìm kiếm hoặc đã gần tìm thấy một con đường phát triển cho Việt Nam, thậm chí là một con đường không cần phải dân chủ hóa thể hiện qua những xu hướng phát ngôn và hành động như một nhà kỹ trị. Chẳng hạn như kế hoạch tinh giản bộ máy, sát nhập của các tỉnh, loại bỏ đơn vị hành chính cấp xã- Tô Lâm nhìn ra được như cồng kềnh của thể chế và thấy rằng cần phải cắt giảm để giảm thiểu chi tiêu và tăng cường tính hiệu quả của các cấp chính quyền. Điều đó đúng, nhưng nguyên nhân trực tiếp của sự cồng kềnh, thiếu hiệu quả đó là vì bộ máy chính quyền được xây dựng và lãnh đạo bởi đảng Cộng Sản Việt Nam, một chính đảng tham nhũng và bại liệt về tư tưởng. Để hiểu được đảng CSVN dưới sự lãnh đạo của Tô Lâm có chuyển hóa được nền kinh tế đất nước không, chúng ta phải lý giải về sức mạnh nào hiện nay sẽ thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam đi lên?
Có lẽ, chế độ CSVN dưới thời kỳ của ông Nguyễn Phú Trọng luôn ru ngủ quần chúng và đảng viên với sự từ hào không có thực và Việt Nam đang đi lên, Việt Nam đang phát triển rất nhanh, và chưa bao giờ Việt Nam có được cơ đồ như ngày hôm nay. Đúng là Việt Nam đã tăng trưởng rất nhanh về con số GDP, nghĩa là tăng trưởng nhanh về “sản lượng”. Nhưng cũng cần phải hiểu một cách tương đối về tăng trưởng đó thực chất là đến từ một quá trình tự nhiên của nhiều nền kinh tế thế giới đang chuyển mình về dịch vụ hóa, tham gia sản xuất những sản phẩm công nghệ cao, hoặc những công việc trong nền kinh tế đòi hỏi kỹ năng và phẩm giá cao. Các nền kinh tế cởi mở sẽ được kế thừa lại vai trò sản xuất các mặt hàng gia công nếu có một đảm bảo nhất định về an ninh, không có tình trạng chiến tranh, và có một nguồn lao động giá rẻ đông đảo. Như vậy, kể từ khi đổi mới, thực tế tất cả những gì chế độ làm được là chuyển đổi từ một nền kinh tế có thị phần nông nghiệp chiếm giá trị chủ yếu; sang một nền công nghiệp gia công (nghĩa là sản xuất hàng hóa ở chuỗi cung ứng giá trị thấp), điều mà thực tế chính Tô Lâm cũng gián tiếp thừa nhận. Tệ hại hơn, thì sự chuyển dịch này cũng không nhờ “công ơn” của chế độ, mà chỉ là một sự tiếp nhận bất buộc phải đến. Tệ hơn là điều ngay cả Tô Lâm, chế độ CSVN cũng phải thừa nhận nếu chúng ta tranh luận trực tiếp với họ là thực ra tăng trưởng nhanh thời gian vừa qua không có ý nghĩa nhiều với đất nước Việt Nam.
Đầu tiên, World Bank trong một báo cáo chính sách của mình cho biết các công ty trong nước gần như hoàn toàn cô lập với chuỗi cung ứng xuất nhập khẩu, mà thực tế chỉ xoay vòng trong nhưng doanh nghiệp FDI nước ngoài. Chế độ cũng gặp những vấn đề khó khăn trong truy thu thuế khi họ cũng thừa nhận có 60% doanh nghiệp FDI báo lỗ, có nghĩa là đất nước không nhận được đồng thuế nào từ các hoạt động kinh doanh của họ. Chúng tôi cũng cảnh báo sự lệ thuộc trên 200% vào ngoại thương (thậm chí 250% nếu con số GDP được tính toán một cách lương thiện) của chính quyền Việt Nam; tuy nhiên, ngay cả trong nền kinh tế lệ thuộc vào ngoại thương đó thì hiệu số xuất nhập khẩu (EX-IM), thành thành tố của GDP cũng không có nhiều ý nghĩa. Vì bản chất là chúng ta chỉ nhượng địa cho các doanh nghiệp nước ngoài sản xuất hàng hóa và bán đi mà thôi. Và ngay cả nhượng địa, chúng ta cũng đã nhượng địa trong một sự nhục nhã, và phải cúi đầu: giá lao động rẻ mạt để duy trì sức hấp dẫn với FDI, ô nhiễm nhanh gấp 3.5 lần mức tăng trưởng, và những điều kiện đãi ngộ về đầu tư với cái giá là các doanh nghiệp nội địa bị bóp nghẹt. Như vậy, thực tế thành tích của đảng cộng sản chỉ là dậm chân tại chỗ và bị đẩy đi trước một thế giới toàn cầu hóa đã tiến lên rất nhanh mà thôi.
2. Điều gì cần cho chuyển đổi nền kinh tế để đi lên một kỷ nguyên mới?
Và một ý kiến quan trọng, hiện nay chúng ta đều đồng ý với nhau là phải dịch vụ hóa nền kinh tế nếu muốn chuyển hóa. Nhưng trong một bối cảnh sự bùng nổ của khoa học, và kỹ nghệ; ngày càng có nhiều những ý kiến cho rằng phải đặt lại mối tương quan giữa GDP và sự phát triển kinh tế. Cụ thể là có một sự nhìn nhận rằng trong kinh tế hiện đại tồn tại rất nhiều những tài sản (hay sản phẩm) vô hình, nghĩa là không cầm nắm được và đôi khi rất khó định giá cụ thể như sở hữu trí tuệ, danh tiếng thương hiệu, bản quyền hay tác quyền, những thành tựu trong nghiên cứu và phát triển R&D, hay thậm chí là kỹ năng tổ chức và thiện chí của cá nhân và doanh nghiệp và cá nhân trong xã hội. Cần nhấn mạnh là giá trị của những tài sản phi vật thể này đôi khi không được tính hoặc không được tính toán một cách đầy đủ trong các con tính GDP hoặc thậm chí những tài sản này có giá trị bằng 0/ZERO (nhưng thực tế nó lại có giá trị thực và rất lớn trong một nền kinh tế). Do vậy, hiện nay ngay cả trong điều kiện thế giới phát triển có nhiều nước sẽ có một mức độ âm nhẹ (do áp lực từ việc giảm giờ làm, ngày nghỉ và dân số già hóa của họ mà chúng ta cần bàn tới trong một bài viết khác), và những nước đang cởi mở phát triển một mức độ nhanh chóng về GDP; khoảng cách giữa hai nền kinh tế thực tế gia tăng chứ không thu hẹp, nếu những nền kinh tế đang cởi mở chỉ tăng trưởng dựa trên những ngành công nghiệp gia công kém phẩm giá đánh đổi bằng những nhượng bộ về môi trường và xã hội. Do đó, tốc độ chuyển đổi nền kinh tế là yếu tố tiên quyết để bắt kịp thế giới phát triển.
Tuy nhiên, những tài sản phi vật thể hay tài sản vô hình không cầm nắm được lại yêu cầu một thể chế dân chủ, nhân quyền, và một nền pháp trị để duy trì vì thể chế độc tài không thể nuôi dưỡng những suy nghĩ ngay thẳng trong trí tuệ, tôn trọng phẩm giá và hay khuyến khích những tiếng nói, kết hợp đúng đắn thông qua các quyền tự do ngôn luận, cùng các thể chế vững vàng và lương thiện. Ví dụ như sở hữu trí tuệ cần một sự đảm bảo rằng những người sáng tạo sẽ được quyền tự do bày đạt, và diễn tả ý kiến của mình dù là lĩnh vực chính trị hay phi chính trị, họ được nhìn nhận quyền sở hữu tài sản trong đó bao gồm tài sản hữu hình và tài sản vô hình. Danh tiếng của các đơn vị kinh doanh phụ thuộc vào danh tiếng của thể chế quốc gia có lành mạnh và lương thiện không, có những cơ chế pháp trị để giải quyết những xung đột kinh tế một cách công bằng hay không, đồng thời là những trách nhiệm xã hội, cam kết với môi trường và xã hội được thực thi trong một môi trường lành mạnh. Vào năm 2020, khi nhận được những tín hiệu rất rõ ràng về đầu tư, chế độ đã dàn dựng để đàn áp gia đình ông Lê Đình Kình và chiếm đoạt tài sản thông qua vũ lực, và trong năm năm sau đó đến nay họ đã hơi hướng thô bạo hơn thông qua việc công an trị chế độ. Vừa rồi, họ còn bắt Trần Khắc Đức, một thành viên Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên- một thanh niên chỉ có những ưu tư lương thiện, và những ý kiến đúng cho đất nước Việt Nam. Gần nhất là họ bỏ tù Trương Huy San, và Trần Đình Triển, hai trí thức phản biện tích cực nhưng cũng coi họ là một phần của chế độ hơn là đấu tranh bên ngoài chế độ. Sự gia tăng hung bạo, đàn áp chính trị và xã hội dân sự là những lý do cụ thể nhất chứng tỏ cơ chế của đảng cộng sản Việt Nam không thể chuyển hóa về một nền kinh tế dịch vụ, mà đòi hỏi cần những đảm bảo trong đó có đảm bảo về các quyền tự do bao gồm tự do sở hữu tài sản, và tự do ngôn luận.
Như vậy, có thể kết luận là dù hô hào, và kêu gọi tiến lên kỷ nguyên mới; chúng ta lại thấy các chính sách của chế độ ngày càng bất chấp và hoang dãi để đem đến những con số tăng trưởng giả tạo. Chẳng hạn, họ mong muốn Việt Nam sẽ bán đất hiếm cho thế giới để phát triển các ngành kỹ nghệ ô tô và chip, và tin rằng họ có 22 triệu tấn đất hiếm. Tôi cũng đã trình bày mối nguy hại của khai thác đất hiếm trong bài Không thể bắt đầu Kỷ Nguyên mới bằng cách lặp lại một thảm họa cũ của đất nước!

Và vừa rồi Hoa Kỳ vừa định lượng lại và cho rằng Việt Nam cũng chỉ có 3.5 triệu tấn đất hiếm mà thôi, điều này sẽ là một tin buồn cho lãnh đạo chế độ như Tô Lâm và Phạm Minh Chính nhưng lại là một tin vui cho người dân Việt Nam vì một nguy cơ tàn phá khủng khiếp về môi sinh và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, và điều kiện của người Việt đã được loại bỏ bằng một sự may mắn tình cờ. Tuy nhiên, nếu chỉ hô hào tiến lên kỷ nguyên mới, nhưng không thực thi dân chủ; bằng cách này hay cách khác, chế độ CSVN vẫn sẽ tìm cách bán rẻ môi sinh, tài nguyên tự nhiên của đất nước và điều kiện sống của người Việt để loay hoay tìm cách kêu gọi đầu tư và duy trì một chỉ số GDP vô nghĩa. Đây là một điều có hại cho đất nước và cần được vạch trần.
3. Dân chủ, tự do đã là những tài sản tự thân của một nền kinh tế
Trở lại, tuy chúng ta nói một cách dài dòng về những sự thiếu sót của con tính GDP trong việc bao hàm những giá trị, tài sản vô hình để thấy được sự phức tạp của nền kinh tế hiện đại mà không còn dựa trên cân đo các thành phẩm vật lý nữa, họ đặt ra một khái niệm mới là GDP-B (B là Benefit)- để cố gắng định lượng các giá trị này dựa trên lợi ích của những tài sản vô hình đem lại với cuộc sống con người; nhưng nếu nói ngắn gọn thì thực tế những tài sản vô hình mang giá trị Zero đó thực ra là các quyền tự do (bao gồm cả quyền được có và quyền không bị/positive and negative freedoms) trong một cơ chế dân chủ. Ví dụ trước đây trong thời kỳ tiền công nghiệp, và giai đoạn thế giới đang trên phong trào công nghiệp hóa với các ngành công nghiệp năng, việc đốt càng nhiều than đá thì GDP thực tế sẽ ngày càng tăng, và đó là biểu hiện của phát triển trong nền kinh tế cũ. Tuy nhiên, thế giới ngày hôm nay đã nhìn nhận những quyền được có- được sống trong một môi trường trong sạch, không bị ô nhiễm; nên thực tế việc đốt thêm than đá lại bị lên án là man rợ và chống lại đà phát triển của con người, hay là một sự thoái hóa.
Trước sự vụng về của các nền dân chủ trên thế giới, và sự triệt thoái của Hoa Kỳ, nếu những nhà lãnh đạo độc tài nghĩ rằng điều đó sẽ làm hạn kỳ dân chủ chậm hơn thì đó là một lầm tưởng. Thế giới thực tế đang dân chủ hóa rất nhanh như những gì tôi đã trình bày ở trên trước một nhu cầu bắt buộc của một nền kinh tế bậc cao, và thậm chí thời gian tới có nhiều người sẽ nhìn nhận dân chủ, và các quyền tự do căn bản của con người không chỉ là nền tảng để phát triển kinh tế, nó tự thân đã là một tài sản trong một nền kinh tế. Nói thể để buộc chế độ CSVN phải ý thức được rằng ngay cả Việt Nam đang cạnh tranh với Indonesia và một số nước trong khu vực với những tương đồng về GDP, thu nhập bình quân đầu người; nhưng ngay cả như thế thì những người đã có thể chế dân chủ phải được xem là đã giàu có và phát triển hơn Việt Nam, dù có thể chúng ta và họ có một con số tương đồng. Trước kia, các chế độ độc tài thường cho rằng họ có thể trì hoãn dân chủ hóa bằng việc hứa hẹn một tốc độ tăng trưởng cao, nhưng tới đây trước một bối cảnh kinh tế và chính trị mới, sẽ có một sự nhìn nhận lớn rằng nếu dân chủ và tự do tự thân nó là những giá trị và tài sản quốc gia, như thế thì không đáng đánh đổi! Thực tế, dân chủ hóa đã diễn ra rất nhanh, và sự nhìn nhận của dân chủ ngày càng lớn, chỉ có những nhà lãnh đạo độc tài không nhìn nhận thấy vì sự tối tăm của họ mà thôi.
Sẽ rất sớm, họ sẽ bỏ qua những ồn ào của Trump và sự triệt thoái của Hoa Kỳ mang lại và thấy nó không quá nghiêm trọng như cảm tưởng. Ukraine cũng sẽ có thể phòng thủ nếu không có sự trợ giúp của Hoa Kỳ. Điều này sẽ đưa làn sóng dân chủ thư tư trở về đúng quỹ đạo, và tại khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, dân chủ sẽ tiến nhanh hơn vì sự chia tách ngày càng lớn giữa một tập thể của đa số có một chỗ đứng và vị thế trong tương lai, và hội nhập được vì có thể chế dân chủ, và những nước không thể chuyển hóa vì không có dân chủ; với nguyên nhân là những điều tôi trình bày ở phía trên. Điều đó sẽ làm cho phong trào dân chủ hóa rất cấp tốc và gấp gáp vì ở năm 2025, thì nó là cuộc chạy đua nước rút cuối cùng để các quốc gia dành được tấm vé đi lên con tàu của Kỷ nguyên mới. Dân chủ hóa chậm hơn thôi là đối mặt với nguy cơ vong quốc. Đúng vậy, thưa ông Tô Lâm và Phạm Minh Chính, chúng ta thực tế đang bị bỏ lại vì những sự hô hào thiếu trách nhiệm của các ông làm mất thời giờ và ru ngủ dân tộc chúng ta, trong khi đó chúng ta cần quả quyết nhìn nhận rằng chế độ cộng sản Việt Nam không thể chuyển hóa đất nước để đi lên kỷ nguyên mới, và lựa chọn thay thế duy nhất là chúng ta phải quyết tâm với con đường dân chủ đa nguyên. Đất nước chúng ta tuyệt đối không thể lãng phí thêm bất cứ một thời giờ nào nữa!