Những người cộng sản hãy từ bỏ “Vành đai – Con đường” trong chính mình

Những người cộng sản hãy từ bỏ “Vành đai – Con đường” trong chính mình
Photo by Amit Jain / Unsplash

 

1. Sự triệt thoái của đế chế Trung Hoa và sáng Kiến Vành đai- Con đường

Trong những bài viết gần đây của mình, tôi đã cảnh báo về sự phá sản bắt buộc phải đến của dự án Vành đai – Con đường của Trung Quốc.

Đầu tiên, Trung Quốc sẽ phải bơm 1,4 nghìn tỷ đô la vào nền kinh tế để duy trì mức tăng trưởng GDP 5% một cách giả tạo, nhằm ổn định những mâu thuẫn tích tụ trong chế độ và xã hội. Điều này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế bất động sản, ngành công nghiệp xây dựng và đường sắt đều rơi vào khủng hoảng sâu sắc, thị trường chứng khoán lao dốc, và quan trọng hơn là cuộc khủng hoảng về tâm lý cũng như định hướng xã hội. Tuy nhiên, những khủng hoảng đó xảy ra trong bối cảnh Trung Quốc đã kiệt quệ vì nợ. Năm 2019, nợ công của Trung Quốc chiếm 38,5% GDP, nhưng hiện nay đã tăng lên 60,5%, tức là tăng gần 1,5 lần. Dù vậy, nợ công chỉ là phần nổi của tảng băng chìm và không phản ánh đầy đủ thực trạng nợ của Trung Quốc. Một nguồn nợ lớn của Trung Quốc đến từ các phương tiện tài chính của chính quyền địa phương (LGFV), góp phần tăng tổng số nợ của Trung Quốc từ 86.3% lên tới 124% GDP trong cùng giai đoạn được so sánh (nguồn IMF). Nhưng có thể con số này thực tế còn cao hơn nhiều mức IMF đưa ra, vì nhiều khoản nợ thực tế không được liệt kê trong những con số chính thức, và cách tính nợ của định chế LGFV khó khăn hơn rất nhiều người ta tưởng vì thực tế rất khó để tiếp cận hết các nguồn thông tin của những định chế tài chính mà chính quyền địa phương lập ra để vay nợ. Còn một con số nữa phải bàn là nợ phi tài chính (đến từ những khoản vay trả chậm trong cách ngành công nghiệp, thương mại, thế chấp bất động sản, tín phiếu v.v.) đã ở mức 312%. Đây là một con số cao rất bất thường và ẩn chứa đầy rủi ro khi những khoản nợ này đều là những khoản nợ rủi ro thuộc dạng shadow banking và không được đảm bảo bởi một định chế tài chính nào. Thực trạng cạn kiệt tài chính là hệ quả kéo dài của tình trạng giảm phát. Ngay cả tầng lớp trung lưu và thượng lưu ở Trung Quốc cũng đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng tài chính và buộc phải thắt lưng buộc bụng. Trong bối cảnh như vậy, việc rút lui khỏi dự án Vành đai – Con đường là điều tất yếu. Không rõ liệu đội ngũ an ninh kinh tế và các quan chức công tác tại hải ngoại có cảnh báo cho chính quyền CSVN về việc Trung Quốc đang đẩy nhanh quá trình giải tán, thanh lý và truy hồi nợ từ các dự án trong khuôn khổ Vành đai – Con đường hay không?

Không chỉ Hoa Kỳ, những đầu sỏ độc tài trên thế giới cũng đang triệt thoái
1. Dân chủ hóa tiến lên tại châu Âu nếu Ukraine có thể cầm cự Trong những ngày vừa qua, chúng ta đã chứng kiến một sự triệt thoái triệt để của Hoa Kỳ khỏi vai trò lãnh đạo của thế giới. Trong một sự chia rẽ và xuống cấp

Nhưng Vành đai và Con Đường chúng ta vẫn nói là cái gì? Tập Cận Bình giải thích vào chuyến thăm tại Kazakhstan năm 2013 rằng Vành đai là những tuyến đường sắt nối liền xuyên suốt các nước Trung Á không có biển và làm sống lại con đường tơ lụa cổ đại đi sang miền viễn Tây; còn con đường ở đây là một con đường trên biển kết nối hai khối địa chính trị lớn là Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương với Trung Đông và Phi Châu. Đây là một phần quan trọng trong việc đưa Trung Quốc trở thành cường quốc số một về quân sự và kinh tế, vượt qua Hoa Kỳ và phương Tây. Nhưng theo ý kiến chủ quan của tôi, cái tên của dự án này có một “chất thơ” đầy tính ẩn dụ của nền văn học Trung Hoa, ám chỉ rằng Trung Quốc sẽ cung cấp cho các bạn một vành đai bảo vệ các bạn khỏi làn sóng dân chủ, và con đường ở đây là một con đường khác các bạn có thể theo đuổi mà không cần dân chủ hóa. Và trong suốt một thập kỷ, nó tồn tại như một đảm bảo cho các chế độ độc tài trong khắp những miền Trung Á và Đông Nam Á không chuyển hóa về dân chủ, dù đó là một cuộc chuyển hóa bắt buộc. Hiện nay, sự triệt thoái của đế chế Trung Hoa đã rõ ràng hơn bao giờ hết, và sự phá sản tất yếu của dự án Vành đai – Con đường cũng đã được tôi đề cập trong bài viết Không chỉ Hoa Kỳ, những đầu sỏ độc tài đang triệt thoái. Sự triệt thoái đó báo hiệu rằng quá trình dân chủ hóa sẽ buộc phải tiến lên trong khu vực, cũng như tại Việt Nam.

2. Lối làm kinh tế Vành đai và Con đường

Tuy mĩ miều là vậy, thực chất dự án vành đai và con đường chỉ dừng lại ở các công trình cơ sở hạ tầng (hard infrastructure) như đường sá, đường sắt, cầu cống, các dự án năng lượng trong đó chủ yếu là điện than hoặc thủy điện. Trung Quốc sẵn sàng hào phóng cung cấp các khoản vay, vật tư, và con người để đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong những quốc gia đang cởi mở nằm trên dự án Vành đai – Con đường của họ, và cho chính quyền những quốc gia này một ảo tưởng rằng những dự án này sẽ góp phần tăng trưởng con số GDP (thông qua đầu tư công), đem đến sự chính danh và an ninh cho những chính quyền độc tài, và nhờ đó họ không phải chuyển hóa về dân chủ. Nhưng thực tế, đầu tư công là dùng nguồn vốn của đất nước để đầu tư những gì thực sự cần thiết để đảm bảo một tương lai cho đất nước và chuẩn bị những gì phải có trước một thế giới đang chuyển mình. Còn gì nguy hiểm hơn khi tiêu dùng trước “cổ tức” của tương lai để xây dựng những đập thủy điện, khiến cả một cộng đồng mất đi văn hóa và sinh kế, như chúng ta đã thấy ở Lào? Hơn nữa, điều này còn để lại những nhà máy không có người mua điện, bởi các đập thủy điện trên sông Mekong đã trở thành mối đe dọa đối với các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Hệ sinh thái tự nhiên và nông nghiệp của miền Nam Việt Nam đang rơi vào một tình trạng rất bi đát vì những đập thủy điện chặn dòng. Và tôi vẫn luôn cảnh báo nếu nền kinh tế đồng bằng sông Cửu Long không chuyển đổi kịp, rất có thể chúng ta sẽ là một nạn nhân của sự tàn phá về môi sinh mà những dự án thủy điện thuộc khuôn khổ Vành đai – Con đường gây ra. Sự phá sản của các dự án Vành đai – Con đường đánh dấu sự chấm dứt của những hoạt động kinh tế thiếu lương thiện, hy sinh môi trường và an ninh của quốc gia cũng như khu vực, trong khi cố gắng duy trì một chế độ đang lâm vào khủng hoảng và chìm đắm trong quá khứ. Đây chắc chắn là một tín hiệu lạc quan cho tiến trình dân chủ hóa trong khu vực.

Có lẽ chế độ CSVN, tiêu biểu là ông Tô Lâm và ông Phạm Minh Chính, cũng có đủ nguồn tin để biết về thực trạng của dự án Vành đai – Con đường. Nhưng nếu nhà tài trợ của những dự án kinh tế và đầu tư công cẩu thả đã triệt thoái, thì họ lấy đâu một thực tế để quảng bá cho những dự án đầu tư công như đường sắt cao tốc hay điện hạt nhân? Họ nói sẽ quyết tâm sẽ làm dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam, bao gồm 23 ga chở khách và 5 sân ga chở hàng hóa; chạy dọc trên tổng chiều dài hơn 1500 km từ Hà Nội vào Sài Gòn, với ước tính chi phí là gần 70 tỷ đô (nghĩa là bằng 16% GDP của Việt Nam). Nhưng ai sẽ đài thọ cho một công trình tốn kém như vậy? Họ nói rằng nếu không tìm được vốn vay nước ngoài thì chúng ta sẽ huy động từ trong dân (!?) Một phát biểu chẳng dựa trên một thực tế nghiêm chỉnh nào. Nhưng họ cũng cần phải chứng minh cho những người đồng chí của mình rằng họ có khả năng để thực hiện một điều gì đó. Do đó, gần đây họ lại ngỏ ý muốn Trung Quốc giúp làm dự án đường sắt Hà Nội – Lào Cai khổ 1435 mm điện khí hóa nối với Vân Nam trị giá hơn 8,3 tỷ đô. Dù sao thì 8,3 tỷ đô vẫn là một con số lớn đủ để một đế quốc Trung Quốc đang triệt thoái không có lý do gì để bỏ ra, khi mà vừa qua họ cũng rút lại một loạt các cam kết về vốn vay cho các dự án tại Campuchia. Những người cộng sản Việt Nam đang ảo tưởng gì? Hay một tâm lý “vành đai – con đường” vẫn tồn tại trong khối óc độc tài và u mê của họ.

3. Liệu nhà kỹ trị Tô Lâm có giúp đất nước vươn mình vào kỷ nguyên mới?

Tuy nhiên, trong một quá trình hăng hái học tập và phát biểu, ông Tô Lâm có lẽ đã nhìn thấy được một phần của vấn đề, mà cụ thể ông nói phát triển phải hướng đến hạnh phúc của nhân dân. Điều này thực ra cũng chỉ là một sự nhắc lại một định hướng trong dự án Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai là phải xây dựng một định nghĩa hạnh phúc quốc gia phẩm chất ngay trong cố gắng, khi mà ngay cả dù với những định hướng đúng, chúng ta vẫn phải mất một vài thập kỷ để bắt kịp với mức trung bình của thế giới và có được những thành tựu đáng kể. Điều đó nghĩa là chúng ta vẫn sẽ phải sống trong tình trạng cơ cực một thời gian dài khá dài. Điều đó có nghĩa là, trước thềm một thời kỳ mới của đất nước, chúng ta phải đồng ý với nhau rằng không thể biện minh cho sự phát triển bằng cách hy sinh phẩm giá con người, quyền tự do, môi trường, cũng như điều kiện sống và lao động của người Việt Nam. Nói cách khác, không thể tiếp tục duy trì chế độ độc tài và sự cai trị của một đảng như hiện nay.

Nhưng dường như ông Tô Lâm không hiểu được phần còn lại của vấn đề nên ông có một sự say mê mới với thiên hướng kỹ trị. Sự kiện ông đi Singapore, và có lẽ ông luôn nhắc tới Singapore như một hình mẫu phát triển, cùng sự say sưa của ông trong khi nói về đổi mới, sáng tạo về công nghệ, cho chúng ta thấy ông Tô Lâm đang có một xu hướng tin rằng rằng Việt Nam có thể chuyển hóa bằng kỹ trị. Nhưng ông Tô Lâm không có khả năng kỹ trị, và đằng nào thời đại của kỹ trị cũng đã qua đi. Kỹ trị là một hình thức “độc tài sáng suốt” dựa trên những quyết định đúng đắn của một cá nhân độc tài lắng nghe lời các chuyên gia. Nhưng những ý kiến đúng thì chỉ được sản sinh trong một môi trường thảo luận rất cởi mở, một không khí dân chủ và tương kính. Ngược lại, trong một môi trường sợ sệt và đàn áp thì chẳng có một đảm bảo nào để những ý kiến đúng được nói lên và lắng nghe. Những gì ông Tô Lâm cho là đúng thực chất chỉ là một sự gượng ép, buộc người ta chấp nhận điều sai thành đúng, dựa trên sự độc quyền chân lý của kẻ độc tài. Không có gì đảm bảo khi các cố vấn chế độ và chuyên gia phải sống trong sợ hãi, không dám nói thật ngay cả về những vấn đề phi chính trị, nếu quan điểm của họ đi ngược lại ý kiến của lãnh đạo. Họ có thể bị bỏ tù hoặc bị trả thù chỉ vì nói trái với lập trường của chế độ.

Có lẽ một ngộ nhận của ông Tô Lâm về bẫy thu nhập trung bình ở Việt Nam là cho rằng Việt Nam đã chạm đến mức thu nhập trung bình, trong khi thực tế, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình 13.000 đô la. Trên thực tế, Việt Nam đang mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình thấp, tức là chưa thể vượt qua ngưỡng thu nhập bình quân từ 1.136 đến 4.465 đô la. Báo cáo của World Bank được viết bằng thứ ngôn ngữ ngoại giao và trung dung cũng đã gọi nền kinh tế Việt Nam là dual economy – nghĩa là có hai nền kinh tế tồn tại ở đất nước chúng ta. Một là nền kinh tế do các doanh nghiệp FDI nước ngoài thống trị, kiểm soát gần như toàn bộ chuỗi cung ứng, đầu tư vào Việt Nam, sản xuất và xuất khẩu hàng hóa nhưng không tạo ra giá trị bền vững cho nền kinh tế trong nước, và một là nền kinh tế của các doanh nghiệp quốc nội dẹo dặt. Trong bối cảnh chúng ta phụ thuộc hơn 200% GDP vào ngoại thương, gần 100% GDP vào nhập khẩu và hơn 100% GDP vào xuất khẩu – thì thành tích tăng trưởng kinh tế đó thuộc về ai? Nó chắc chắn không thuộc về đất nước Việt Nam, cả doanh nghiệp và quần chúng nhân dân đất nước Việt Nam. Tuy nhiên, sự tăng trưởng đó lại phải đánh đổi bằng một lực lượng lao động đông đảo với mức lương rẻ mạt, cùng với sự tàn phá môi trường, khi thiệt hại về môi sinh gấp 3,5 lần mức tăng trưởng.

Muốn chuyển hóa nền kinh tế chắc chắn phải nâng đỡ các doanh nghiệp trong nước thông qua xây dựng một thị trường nội địa, mở rộng tự do kinh doanh và sáng tạo, và giải phóng về con người để mở ra một nguồn lực khổng lồ phục hưng đất nước. Nhưng những chính sách đó là một phần của nội dung dân chủ hóa, vốn đã được phát biểu trong dự án Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai. Và làm thế nào để thực hiện điều đó khi nội bộ chế độ kiên quyết đòi chống tự diễn biến, tự chuyển hóa?

Và ông Tô Lâm cũng nhìn thấy rằng để trở thành một nền kinh tế bậc cao thì họ phải bắt buộc nâng cao giá trị của chuỗi cung ứng, từ sản xuất những sản phẩm có giá trị thấp theo lối gia công sang những sản phẩm có giá trị cao. Nhưng đằng nào việc sản xuất những vật phẩm tinh xảo, phức tạp là rất khó với nền sản xuất của Việt Nam, nên việc dịch vụ hóa nền kinh tế là một lựa chọn bắt buộc. Nhưng đối với nền kinh tế dịch vụ thì cần phải mở rộng các quyền tự do, trong đó có tự do ngôn luận. Ví dụ như những sản phẩm công nghệ như Facebook hay Youtube, hoặc các nền tảng mạng xã hội khác, có chứa một khối lượng thông tin khổng lồ. Những thông tin này thực tế có giá trị bằng 0 trong con số GDP, nhưng nó có một tầm quan trọng và ý nghĩa rất lớn trong kinh tế số hiện đại (digital economy). Nhưng để lưu trữ và truyền tải những thông tin này thì các nền tảng mạng xã hội cũng phải tôn trọng các nguyên tắc căn bản về quyền tự do ngôn luận, quyền tự do xuất bản, và tự do hội nhóm. Đúng là đã có những lần các công ty công nghệ lớn thỏa hiệp với chính quyền độc tài để mở rộng thị trường. Tuy nhiên, khi những thông tin này bị phơi bày, điều đó chỉ làm xấu đi hình ảnh và uy tín của họ, đồng thời kéo theo sự suy giảm về chất lượng dịch vụ. Làm sao có thể dịch vụ hóa nền kinh tế mà không nhìn nhận các quyền tự do về ngôn luận, hội nhóm, và xuất bản? Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật này khác với thời điểm cách mạng kỹ thuật tiền công nghiệp rất nhiều, nên nó cũng chẳng có chỗ cho sự kỹ trị, điều mà thực ra chế độ cũng không có được. Lựa chọn công an hóa chế độ dường như là một sự đầu hàng của họ, và chứng tỏ rằng chế độ không có giải pháp. Và họ cũng không thể tự dân chủ hóa một mình.

4. Để đất nước đi vào một kỷ nguyên mới

Tôi có trình bày tình trạng phá sản của ngành công nghiệp năng lượng của Việt Nam trong bài Quy hoạch năng lượng và quy hoạch tương lai của đất nước: Ngay cả một xu hướng tích cực như chuyển đổi xanh, nhằm chuẩn bị cho tương lai và đảm bảo vị thế của đất nước trong bối cảnh thế giới đang chuyển mình, cũng đã bị thực hiện một cách cẩu thả, đầy rẫy tham nhũng, dẫn đến nguy cơ phá sản. Dự án Quy hoạch điện 8 cho giai đoạn 2021-2030 đã đi qua một nửa chặng đường, và hiện chỉ còn 6,5 năm để thực hiện. Chính những người có trách nhiệm cũng thừa nhận thực trạng này, đồng nghĩa với việc dự án đã gần như thất bại. Họ đã lỡ một mục tiêu do chính họ đặt ra và hiện đang ở trong một tình trạng mà các nhà đầu tư sẽ bỏ rơi Việt Nam vì tham nhũng và thiếu minh bạch. Đúng là quyết định “hồi tố” của họ cũng có “cái lý” vì nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng kẽ hở và tham nhũng để nhận giá FIT ưu đãi khi họ chưa hoàn thành xong đúng thời hạn. Nhưng lỗ hổng và tham nhũng đó phải chăng cũng là do chế độ gây nên và chính chế độ phải chịu trách nhiệm? Tôi cũng trình bày rằng những khoản đầu tư về năng lượng sạch tuy phần lớn là vốn tư nhân, nhưng đằng nào thì đó cũng là vốn của đất nước chúng ta, và chúng ta cũng phải chi trả lại những nguồn vốn đó. Một sự cẩu thả và tham nhũng là ăn cướp tương lai của đất nước. Trong một cơ chế tham nhũng và cẩu thả này, họ đòi thực hiện những đại dự án dựa trên đầu tư công và vay nợ? Dự án Vành đai và Con đường đã chết và phá sản. Họ không thể ôm lấy tâm lý Vành đai – Con đường để sống và đi vào một con đường không lối thoát. Nhìn nhận mình sai và bắt đầu cho một tiến trình chuyển hóa về dân chủ bắt buộc mới là một lựa chọn đúng đắn nhất.

Và trên con đường chuyển hóa đó cũng không có chỗ cho kỹ trị, nghĩa là vẫn dựa trên sự độc đoán và hy vọng rằng mình “độc tài nhưng sáng suốt”. Chúng ta không còn ở thời kỳ tiền công nghiệp hay ở những cộng đồng kinh tế than và thép. Chúng ta đang ở thời kỳ có những vật phẩm giá trị GDP bằng 0, nhưng là cốt lõi của phát triển kinh tế như tôi đã trình bày: một trong số đó là dân chủ và nhân quyền.

Nếu nhìn trên bản đồ thì Việt Nam nằm ở vành đai duy nhất là vành đai dân chủ như tôi đã trình bày trong nhiều bài viết. Ngay cả trong khu vực ASEAN, chúng ta đang thấy một vết cắt giữa những nước cam kết dân chủ hóa và có một tương lai đảm bảo với những nước đang đi về quá khứ và từ chối dân chủ hóa. Thật tăm tối khi không lựa chọn dân chủ hóa và một tương lai đảm bảo cho dân tộc mà lại muốn quay về quá khứ. Tuy nhiên, con đường độc tài hay những con đường thay thế cũng đã biến mất. Con đường duy nhất còn lại mà Việt Nam phải lựa chọn là con đường dân chủ hóa. 

Những người cộng sản có thể phần vì tâm lý mặc cảm, phần vì muốn bảo đảm quyền lợi của mình, nên tỏ ra chống lại dân chủ hóa. Nhưng những người cộng sản cũng biết chia rẽ về ý thức hệ nó ghê gớm như thế nào. Họ phải là những người rõ nhất. Làm sao có thể ngu dại đẩy mình vào thế đối lập với một số lượng ngày càng đông những người tin rằng dân chủ hóa là lựa chọn duy nhất? Lực lượng này sẽ tự nhiên xem những người chống lại dân chủ hóa là những người cần phải loại bỏ vì chống lại tương lai đất nước. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên hiểu được điều này nên chúng tôi thà chấp nhận cuộc đấu tranh này phải lâu hơn mong đợi để thuyết phục hoàn toàn những người còn chống đối dân chủ còn hơn là để xảy ra tình trạng chia rẽ và đổ vỡ. Nhưng phải nhấn mạnh rằng Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đấu tranh vì dân chủ hóa trên tinh thần hòa giải dân tộc. Anh em chúng tôi vẫn giữ vững tinh thần này bởi người dân Việt Nam vẫn còn Tổ quốc và vẫn mang trong mình lòng yêu nước sâu sắc. Nhưng nếu họ đặt lợi ích cá nhân lên trên lòng yêu nước và ra sức cản trở tương lai của dân tộc, đất nước Việt Nam sẽ có thể không còn, hoặc còn tồn tại nhưng đã chết về tinh thần. Nếu chúng ta không còn nhìn nhau như đồng bào và đất nước không còn tồn tại, thì anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam và toàn thể nhân dân sẽ đối diện với nhau như thế nào? Lựa chọn cố thủ là một quyết định ngu muội, vì đó là sự cố tình đẩy mọi thứ vào tình trạng không thể cứu vãn.

Read more