Quách Gia Khang, Trần Khắc Đức đã dành 10 năm tuổi trẻ đi trên con đường dân chủ đa nguyên

Quách Gia Khang, Trần Khắc Đức đã dành 10 năm tuổi trẻ đi trên con đường dân chủ đa nguyên

1.     Quách Gia Khang, Trần Khắc Đức và một cơ hội nhìn lại tiến trình dân chủ hóa đất nước

Tối ngày 18/3, tôi mang một tâm trạng nặng trĩu trước một loạt các tin loan báo về chí hữu Quách Gia Khang bị tạm giữ. Năm 2025 là một mốc thời gian đặc biệt của Khang vì nó sẽ đánh dấu một chặng đường một thập niên (nghĩa là 10 năm) Khang gia nhập Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên và đấu tranh cho những lý tưởng cao đẹp của cuộc đời. Tham gia đấu tranh dân chủ từ năm 18 tuổi, thật khó tin được rằng một chàng trai chỉ mới 28 tuổi đã dành cả tuổi trẻ để dấn thân vào một con đường dân chủ đa nguyên dài và đầy chông gai, và đã luôn sống trong cảnh cô đơn của một thiểu số có lý tưởng. Lòng càng nặng nề khi nghĩ về một chí hữu khác cũng đang ở trong cảnh lao tù là Trần Khắc Đức. Họ đều là những con người rất trẻ, không chỉ mang đến sự nhiệt huyết, mà còn là một sự tiếp nối thế hệ của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Thời gian đưa họ đến sự chín muồi về lập trường và tư tưởng chính trị, cảnh tù đày đã đến như một thách thức. Cả hai chí hữu của chúng tôi đã không hề nhận tội mà đã bày tỏ sự kiên định với những lý tưởng mình theo đuổi, bất chấp những hình phạt đã đến với thái độ đó. Sự kiện hai chí hữu của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên bị bắt là một vết thương cứa vào lòng anh em của chúng tôi. Nhưng vết thương đó cũng là một động lực để anh em chúng tôi đấu tranh và rút ngắn lại chặng đường chúng ta còn phải đi. Và đây cũng là một cơ hội để nhìn lại dân chủ và tiến trình dân chủ hóa của đất nước chúng ta.

Nếu nhìn những gì đang diễn ra hiện nay, đất nước Việt Nam của chúng ta hôm nay là một đất nước đã lụn bại. Ông Nguyễn Phú Trọng đã thắng thế trước nhà nước Nguyễn Tấn Dũng nhờ nhìn nhận rằng chế độ hiện nay đang bị băng hoại bởi tham nhũng, và tham nhũng là nguy cơ số một khiến họ sẽ mất chế độ. Nhưng trong suốt thời gian ông Nguyễn Phú Trọng làm tổng bí thư và mở ra chiến dịch chống tham nhũng, tham nhũng thực tế đã ở mức trầm trọng hơn bao giờ hết. Điển hình vừa qua nhà nước đã phải đưa ra một gói cứu trợ tương đương với 5% tổng sản lượng kinh tế quốc gia năm 2024 để giải cứu ngân hàng SCB sau vụ gian lận tài chính của bà Trương Mỹ Lan, cấp bởi Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam và sẽ được Sun Group trả góp trong 15 năm. Chỉ một vụ tham nhũng thôi đã tổn thất 5% kinh tế của đất nước. Số tiền đó đủ để có những đầu tư đúng nghĩa vào việc khôi phục tái tạo môi trường Việt Nam, hoặc nâng cấp nền giáo dục và y tế của đất nước. Vậy câu hỏi đặt ra là các vụ tham nhũng khác tồn tại đầy rẫy trong chế độ đã khiến đất nước Việt Nam tổn thất bao nhiêu? Tham nhũng đã tăng lên chứ không hề giảm dù ông Nguyễn Phú Trọng Trọng dương cao ngọn cờ chống tham nhũng. Khủng hoảng kinh tế lại không đến bằng những con số hay triển vọng tăng trưởng chính quyền đưa ra. Nó đến với một bầu không khí ảm đạm mà phần lớn nhân dân Việt Nam đã cảm thấy rất rõ. Đó không chỉ là một cuộc khủng hoảng về kinh tế, nghĩa là không phải chỉ những biện phạm kiểm soát chi tiêu, tăng giảm lãi suất, các gói cứu trợ, và những nỗ lực bình ổn ngắn hạn có thể giải quyết được; mà còn là một cuộc khủng hoảng về đường hướng hay tương lai của đất nước Việt Nam.

Anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, Trần Khắc Đức, hay Quách Gia Khang, là những người quả quyết rằng đất nước Việt Nam phải dân chủ hóa nếu chúng ta muốn có một tương lai cho đất nước Việt Nam. Việt Nam vẫn là một đất nước Việt Nam với diện tích đó, con người và dân số đó, và những di sản văn hóa và lịch sử như vậy, nhưng chúng ta thay đổi những triết lý chính trị và cách tổ chức, vận hành xã hội để mở ra những nguồn lực mới nhằm phục hưng và đưa đất nước đến với một tương lai đầy hứa hẹn. Nhưng có lẽ đây là một tiến trình chưa từng có trong lịch sử Việt Nam vì nó hoàn toàn dựa trên một tinh thần tự nguyện và thuyết phục chứ không bằng sự gượng ép. Trong những người chúng tôi cần thuyết phục có một tập thể nhân sĩ. Tuy nhiều người trong số đó có tâm và có thiện chí với dân tộc, sự đấu tranh đơn độc và di sản văn hóa Khổng Giáo đã không giúp họ có những ý kiến đúng về những nội dung mà cuộc đấu tranh dân chủ cần có. Và có những người Cộng Sản, có thể nhiều người trong số họ có một lòng yêu nước nhất định, nhưng sự mặc cảm và sự ích kỷ về quyền lợi đã không giúp họ đưa ra được những quyết định có lợi cho đất nước. Anh em chúng tôi luôn ý thức được rằng một chế độ dân chủ nếu được áp đặt gượng ép sẽ rất yếu ớt nếu không có những đồng thuận căn bản. Mà muốn tìm kiếm đồng thuận thì phải thuyết phục bằng lý luận và có một thái độ đúng trên một tình cảm quốc gia. Do vậy, chúng tôi đã luôn đấu tranh trên tinh thần này, nghĩa là tinh thần dân chủ nhất từ khi bắt đầu là một đối lập chính trị. Và tinh thần đó cũng tự nhiên đồng nghĩa với lập trường bất bạo động và hòa giải dân tộc. Nhiều người nhạo báng và cho rằng anh em chúng tôi đấu tranh chính trị salon. Thực chất họ chưa hiểu thế nào là đấu tranh dân chủ và đấu tranh dân chủ bao gồm những nội hàm gì mà thôi, hoặc là họ cảm thấy bức bối vì cuộc đấu tranh này kéo dài mà không hiểu nó cần phải vậy. Sự hy sinh của hai chí hữu Trần Khắc Đức và Quách Gia Khang thực sự không vô nghĩa. Họ đã là những ví dụ thuyết phục nhất của một lối đấu tranh chính trị và dân chủ hóa một cách đúng đắn mà trước đó anh em chúng tôi đã phải tốn bao nhiêu giấy mực để thuyết phục dư luận.

2.     Một cuộc chuyển hóa nào khi đất nước ở ngã ba đường?

Đất nước chúng ta đang ở một ngã ba đường, nghĩa là chúng ta phải tìm một con đường đổi mới đất nước. Đó không phải là nhận định chủ quan của tôi. Và nếu tôi nói ra ở thời điểm trước thì một loạt những dư luận viên sẽ ném gạch đá và nói rằng tôi kích động cách mạng màu hay tự diễn biến tự chuyển hóa. Đó là những gì ông Tô Lâm đã nhìn nhận khi nói “nguy cơ tụt hậu vĩnh viễn nếu không tìm ra con đường mới cho đất nước. Nhưng nếu không phải con đường dân chủ hóa của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên thì đó là con đường nào? Nhiều người nói rằng Tô Lâm và bộ sậu của ông ta đang đưa đất nước về chế độ độc tài cá nhân (như Cộng Hòa Tổng Thống) khi xu hướng kỹ trị gia tăng và hiện tượng một tổng bí thư Đảng chen chân và lạm dụng quyền hành pháp. Ông Tô Lâm đã tổ chức một cuộc cách mạng tinh giản bộ máy mà ông nói là phải hoàn thành ngay trong tháng 3 năm 2025 (trước đó hạn chót là tháng 2), và phải hoàn thành sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã ngay trong ngày 30/6. Những cuộc cải cách hành chính, dù có thể có lợi, chưa bao giờ có thể làm được trong một vài tháng. Sự hấp tấp, việc vừa chạy vừa xếp hàng, và việc bất chấp những xáo trộn cùng rối loạn khiến bộ máy nhà nước mới gần như tê liệt và mất đi chức năng thực tế cho thấy điều gì? Phải chăng ông Tô Lâm đang vội vã chuyển hóa bộ máy chính trị Việt Nam sang một thể chế khác? 

Nhưng con đường về độc tài cá nhân (nếu thực sự đó là ý kiến của đội ngũ Tô Lâm) còn tàn bạo và độc đoán hơn một thể chế độc tài đảng trị, vì nó yêu cầu tước đi quyền lợi và quyền lực chính trị của một tập thể để chuyển về một thiểu số ít ỏi hơn. Như một lẽ tự nhiên, nó sẽ đòi hỏi những sự thanh trừng trên quy mô lớn về chính trị, nghĩa là thẳng tay đàn áp mọi sự đối lập và chống đối bằng mọi thủ đoạn, điều chắc chắn sẽ gây ra những đổ vỡ vô cùng to lớn cho đất nước.

Đổ vỡ đó có thể được nhân lên gấp bội trước một tình cảnh đất nước đã thực sự khó khăn và kiệt quệ về kinh tế và đời sống xã hội. Tôi không khẳng định hoặc tạo ra một thuyết âm mưu rằng ông Tô Lâm thực sự chủ ý đưa đất nước về một chế độ độc tài tổng thống, nhưng tôi có một trách nhiệm đưa ra lời cảnh báo để góp phần tránh một bi kịch cho đất nước. Ông Tô Lâm nên nhìn vào Maduro, một nhà độc tài của một nền Cộng Hòa Tổng Thống đang đối mặt với với khó khăn và sự tuyệt vọng đang bủa vây. Một trường hợp khác là Putin. Dù kết quả của cuộc chiến tranh Nga – Ukraine thế nào, Putin sẽ chỉ còn lại một nước Nga sụp đổ và kiệt quệ về kinh tế với những khó khăn mà Putin không thể giải quyết được. Điều tệ hại hơn là đó là những con người cô đơn được bao bọc bởi một đám nịnh thần và những kẻ chỉ biết nói dối. Hơn nữa, tuổi tác cũng không là ngoại lệ của bất cứ ai. Họ sẽ già yếu trong một sự cô đơn, và bi kịch có thể sẽ chờ họ ở những ngày cuối đời nếu chẳng may họ có thể trụ được thêm một vài năm. Một trường hợp khác là Donald Trump. Sự thành công khi đắc cử thêm một nhiệm kỳ làm cho người ta có cảm giác rằng Donald Trump có thể thành công bởi những lời nói mị dân và sự dốt nát. Dẫu vậy, những thất bại rất lớn đang chờ Donald Trump mà chúng ta sẽ thấy ngay sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ và giai đoạn cuối nhiệm kỳ của Trump. 

Vấn đề của đất nước giờ đã nằm ngoài khả năng kiểm soát của Tô Lâm hay ông Phạm Minh Chính, và tôi cũng đã trình bày nhiều ở những bài viết trước đó. Một cuộc chuyển hóa sang chế độ độc tài cá nhân không giúp họ tránh khỏi việc kế thừa cuộc khủng hoảng và những khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Ngược lại, nó còn khiến họ trở thành những người chịu trách nhiệm chính thức cho mọi sự đổ vỡ bi đát, cũng như thù hận và mâu thuẫn tích tụ trong một đất nước sụp đổ vì đã chọn sai đường lối. Nếu có chút khôn ngoan, Tô Lâm phải hiểu rằng đó là con đường gần như không thể thành công — như Gorbachev và Yeltsin, dù từng được tôn thờ, vẫn nhanh chóng biến mất khỏi vũ đài chính trị, ngay cả khi họ có năng lực thực tế, trong khi Tô Lâm thì không. Và nếu có “thành công”, điều đó cũng chỉ đổi lấy vài năm sống trong cảnh khốn khó, để rồi đẩy bản thân và đất nước vào thảm họa — như Putin, Maduro, hay thậm chí cả Donald Trump. Tô Lâm kỳ vọng gì vào sự thành công khi những gì ông ta nói thực chất chỉ là những điều chúng tôi đã đề cập từ lâu, thậm chí còn diễn đạt chính xác hơn—chẳng hạn như phân quyền, tổ chức chính quyền vùng, xây dựng một nhà nước tinh gọn, và lấy kinh tế tư nhân làm nền tảng, v.v. Ngay cả khái niệm “kỷ nguyên mới” cũng chỉ là sự vay mượn từ Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Chỉ những người thực sự là chủ nhân của những nền tảng và tư tưởng đó mới có đủ tư cách, uy tín và năng lực để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Trần Khắc Đức và Quách Gia Khang là những điểm sáng của đất nước, bởi trong thời điểm ngã ba đường, khi đa số người Việt Nam vẫn còn bối rối và lưỡng lự—nhiều người bị mê hoặc bởi những viễn cảnh hão huyền do ông Tô Lâm vẽ ra, trong khi số khác vẫn u mê bám víu vào sự giả dối và cực đoan của phe tuyên giáo—thì Trần Khắc Đức và Quách Gia Khang đã nỗ lực đưa đất nước đi theo con đường dân chủ hóa, con đường mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã đề ra.

3.     Con đường Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Họ đã khởi tố chí hữu Trần Khắc Đức theo điều 117 với tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Tệ hại hơn, họ khởi tố Quách Gia Khang theo điều 109 Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền, một sự vu cáo vô cùng trắng trợn. Như đã trình bày ở trên, nếu Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đấu tranh hoàn toàn dựa trên những cố gắng thuyết phục và vận động tư tưởng thì làm sao có thể gọi là “hoạt động lật đổ chính quyền”. Hay đó chỉ là một sự thừa nhận là những lập trường của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên hoàn toàn đúng đắn, và đã làm lung lay một tập thể đông đảo những đảng viên của chế độ? Họ vu cáo cho Quách Gia Khang làm bất ổn tình hình an ninh trật tự. Đó là một sự bịa đặt rất quá đáng vì Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên luôn chủ trương cố gắng chuyển tiếp đất nước về dân chủ dựa trên tinh thần hòa giải dân tộc, lập trường bất bạo động, và chúng tôi muốn tiến trình đó phải diễn ra tuyệt đối trong trật tự. Họ cũng nói chí hữu Quách Gia Khang đã “ngoan cố thể hiện tư tưởng, chống đối”. Nhưng ngoan cố với tư tưởng nào và chống đối cái gì? Anh em chúng tôi biết rằng chí hữu của mình khi đối diện với bạo quyền đã tuyên xưng đức tin vào lập trường dân chủ hóa, đa nguyên trong chính trị (nghĩa là nhìn nhận mọi thành phần trong dân tộc), và hòa giải dân tộc, và chống đối sự cai trị bạo lực và thái độ dùng bạo quyền để lãnh đạo đất nước. Việc bắt chí hữu Quách Gia Khang là một sự sai lầm nối tiếp sai lầm.

Việc một chí hữu thứ hai của chúng tôi phải ngồi tù vì đấu tranh cho Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên sẽ là một sự kiện để tất cả anh em chúng tôi nhìn vào, cùng đồng lòng tiếp bước trên con đường của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên—một con đường dân chủ hóa đất nước thông qua quá trình vận động, tìm kiếm sự đồng thuận dân tộc, dựa trên tinh thần yêu nước, lập trường bất bạo động và hòa giải dân tộc. Mục tiêu là mở ra một giai đoạn chuyển tiếp với những định chế và chính sách đúng đắn, từ đó giải phóng một nguồn lực khổng lồ để phục hưng đất nước, đưa dân tộc bước vào một kỷ nguyên mới với tương lai mà mọi người Việt Nam đều có thể cùng nhau chia sẻ. Một nỗ lực cứu nước để người Việt Nam vẫn có thể nhìn nhau như đồng bào và kiên trì gắn bó với đất nước, dù phải trải qua một giai đoạn phấn đấu trong nghèo khó, bởi chúng ta cùng chia sẻ một giấc mơ chung về Việt Nam.

Hai người anh em của chúng tôi đã ngấp nghé bước sang tuổi 30 (một người 29, và một người bước vào tuổi 28), với một thâm niên gần 10 năm đấu tranh chính trị, họ đã đạt tới một mức độ trưởng thành. Và tôi tin chắc rằng sự trưởng thành của họ không chỉ là sức mạnh của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên mà còn là sức mạnh và hy vọng cho đất nước Việt Nam. Đáng buồn là sự nở rộ của những nhân cách này sẽ là sự nở rộ trong điều kiện ngục tù và những ngày tháng khó khăn nhất trong cuộc đời của họ. Nhưng chúng tôi sẽ tiếp sức cho hai chí hữu và sẽ không để họ phải cô đơn và lạc lõng trong ngục tù.  Anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên sẽ kiên quyết đi theo con đường đã chọn và phải tăng tốc hơn nữa để rút ngắn thời gian tù đày của hai chí hữu Trần Khắc Đức và Quách Gia Khang. Đồng thời, chúng tôi sẽ không để đất nước bỏ lỡ chuyến tàu cuối cùng bước vào kỷ nguyên mới của thế giới và của dân tộc.

Và một lời cuối để khép lại: ngày hôm nay những người cộng sản hoặc một lực lượng nào đó trong đảng có thể tối tăm và ngu muội khi đã bắt hai chí hữu của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, nhưng bánh xe lịch sử vẫn đang quay rất nhanh và họ sẽ chỉ có lựa chọn làm tác nhân của lịch sử hoặc là nạn nhân của lịch sử. Họ không thể tiếp tục hung bạo hoặc ngạo mạn vì họ là những người đã nối tiếp cho những sai lầm để đẩy đất nước vào thảm cảnh như hiện nay. Nếu con đường Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên không thể được đi hết thì con đường chờ họ là những thay đổi trong sự tan nát, bạo loạn, để rồi người Việt Nam không còn mặt mũi nhìn nhau nữa. Anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên sẽ cảm thấy có lỗi với đất nước vì không cố gắng đủ để đi hết con đường đó. Nhưng những người có lỗi là những kẻ đã cản trở một lý tưởng đẹp có nhiều khả năng thành hiện thực và đàn áp nó với một sự thô bạo. Nhưng khi đất nước đã mất, hoặc chỉ tồn tại một cách vật vờ, thì việc lịch sử sẽ phán xét ai còn có ý nghĩa gì? Anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, những người cộng sản và đại bộ phận dân tộc Việt Nam—nếu khi đó vẫn còn tình cảm gì với nhau—thì chắc chắn đó chỉ là sự thương hại giữa những người cùng là nạn nhân của một nỗ lực thất bại, một cuộc chuyển mình không thành của đất nước.

Read more