Liên Minh Đại Tây Dương (Atlanticism) tan vỡ trong một làn sóng dân chủ đang gia tốc

Liên Minh Đại Tây Dương (Atlanticism) tan vỡ trong một làn sóng dân chủ đang gia tốc

1.     Cuộc bầu cử quốc gia Đức- một chỉ điểm của sự chấm dứt vai trò lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ?

Chỉ trong hai tháng đầu năm 2025, chúng ta đã thấy một thế giới đang thay đổi, và sự thay đổi đó đang ngày càng gia tốc. Một điều chắc chắn với thế giới, và khối dân chủ là chúng ta sẽ phải đón nhận sự kết thúc của vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ, và cho dù có muốn hay không- vai trò đó buộc phải chấm dứt.

Trong một vài thập kỷ tới, với mặt trận Trung Đông và Phi Châu còn quá nhiều bất ổn, xung đột vũ trang, và nghèo đói; thế giới sẽ được định hình bởi vai trò của hai tập hợp địa chính trị lớn là khối Đại Tây Dương và khối Ấn Độ- Thái Bình Dương. Khối Ấn Độ- Đại Tây Dương là tập thế của phần lớn các quốc gia chưa có dân chủ, hoặc đã có dân chủ ở một mức độ cơ bản; nhưng đã có một xã hội cơ bản là ổn định, hoặc không có chiến tranh (ngoại trừ một ngoại lệ như Myanmar) cần quả quyết hơn về hội nhập và dân chủ hóa. Trong một tương lai gần, các hợp tác chủ yếu trong khối này phần lớn chỉ xoanh quanh các hoạt động thương mại dự do, và trao đổi về văn hóa, trong khi các hoạt động hợp tác về an ninh sẽ chỉ diễn ra giữa một số nước không có nhiều rào cản về chính trị, và thể chế. Trái lại khối Đại Tây Dương là một tập thể các nền dân chủ đã đạt đến một độ chin nhất định và hầu như có thể chia sẻ các hoạt động an ninh, và tình báo; và việc hợp tác trong khối sẽ diễn ra sâu sắc từ kinh tế- thương mại, cho đến các hoạt động an ninh, quân sự, và chính trị.

Nhưng cho đến khi Trump đắc cử và biến chính quyền Hoa Kỳ là một rủi ro an ninh cho khối Đại Tây Dương, mọi trật tự lãnh đạo và cách thức vận hành của khối này sẽ đứng trước một sự xét lại lớn.

Cuộc bầu cử quốc gia của Đức chứng kiến sự vươn lên của chủ nghĩa dân túy và đảng AfD khi họ nắm tới 20% số phiếu phổ thông, và cũng sẽ có một số ghế tương ứng trong quốc hội. Tuy vậy, điều này cũng đưa đến việc ba đảng lớn có lập trường trung dung và than châu Âu của Đức là khối CDU/CSU, đảng Xã hội, và đảng Xanh phải đi đến những thỏa hiệp và chấp nhận nhau để cô lập làn sóng dân túy. Sự vươn lên của chủ nghĩa dân túy là một tín hiệu đáng lo, nhưng cũng không phải nguy ngập như nhiều người lo ngại. Thứ nhất, Đức đã đạt đến một mức độ đa nguyên chính trị nhất định, và tuyệt đại đa số những người tham gia bầu cử đều là những người có niềm tin vào dân chủ và những giá trị dân chủ cơ bản, nhưng không có xu hướng bầu cho một đảng “chính thống”, mà chia đều phiếu cho những đảng có lập trường khác nhau, nhưng đều trung dung và có lập trường đưa châu Âu sát lại hơn. Cộng thêm một thể chế đại nghị thiên về lối bầu tỷ lệ, chúng ta không thấy được một “chiến thắng áp đảo” của bất cử đảng phái nào. Tuy nhiên, tầm khoảng ¼ quần chúng còn tồn tại một sự bất mãn nhất định đã bầu cho những lực lượng dân túy, có lập trường chống lại các giá trị dân chủ tiến bộ, sau một thập kỷ đầy biến động khi Đức và châu Âu trải qua một giai đoạn đại dịch Covid cùng vấn đề về lạm phát và bão giá, cuộc chiến Ukraine bắt họ phải đoạn tuyệt với năng lượng của Nga, phải thực hiện một cuộc chuyển hóa xanh bắt buộc, và gần đây là vấn đề Hoa Kỳ cũng với áp lực gia tăng chi phí quốc phòng. Chúng ta vẫn thấy niềm tin vào dân chủ vẫn là một niềm tin áp đảo trong những cử tri đi bầu. Sự trỗi dậy của dân túy yêu cầu 3 đảng lớn phải nhanh chóng đạt một thỏa thuận mang tính liên minh để kiềm chế chủ nghĩa dân túy; họ có thể thất bại trong việc lập liên minh dẫn đến việc Đức phải tổ chức một cuộc bầu cử, nhưng dường như xu hướng đó là bắt buộc trong một tương lai trung hạn. Trở lại vấn câu hỏi cuộc bầu cử tại Đức có một vai trò nào trong sự sắp đặt lại khối liên minh Đại Tây Dương? Nhà lãnh đạo đảng liên minh CDU/CSU Friedrich Merz đã đưa ra một lập trường cứng rắn là nước Đức phái vươn lên để tự chủ về quốc phòng, và độc lập so với Hoa Kỳ, và cả thủ tướng đương nhiệm Olaf Scholz và Friedrich Merz, người gần như chắc chắn sẽ là tân thủ tướng của Đức đều chỉ trích và coi hành vi của phó tổng thống Vance, và Elon Musk là “can thiệp một cách thô bỉ vào dân chủ và vấn đề nội bộ của châu Âu”, họ cũng dành sự chỉ trích công khai và nặng nề với Donald Trump. Có lẽ, cuộc bầu cử Đức chỉ đánh dấu một cột mốc về sự chấm dứt vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trong nội bộ khối Đại Tây Dương.

Cũng cần phải nhấn mạnh rằng Friedrich Merz vốn phải là một người có lập trường than Mỹ vì ông này chia sẻ thần tượng của ông là Ronald Reagan, và ông có một lập trường bảo thủ về kinh tế. Đức vừa là một nước có vai trò lãnh đạo Liên Âu cũng vừa là một đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ nếu nhìn vào lịch sử thì những người Mỹ trắng đầu tiên là những người gốc Đức di dân sang những tiểu bang thuộc Hoa Kỳ và lập lên một quốc gia mới dựa trên nền tảng Thiên Chúa Giáo Tin Lành. Nếu Đức đã tuyên bố độc lập với Hoa Kỳ, thì vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trên mặt trận Đại Tây Dương phải hiểu là đã chấm dứt.

2.     Khối liên minh Đại Tây Dương đang xét lại

Một điều thiển cận mà những “con buôn chính trị” như Donald Trump không hiểu được là đúng là cơ chế của khối liên minh Đại Tây Dương có tồn tại nhiều điểm bất cập, nhiều nguyên tắc buộc phải sửa đổi, tuy nhiên nó đã tồn tại dựa trên một tinh thần liên đới của những quốc gia thuộc quy phạm nền văn minh phương Tây, chia sẻ chung những giá trị về triết học Hy Lạp, di sản La Mã, văn minh Thiên Chúa Giáo. Ngày nay, nhưng di sản lịch sử đó đã lu mờ, nhưng nó chỉ có thể thay thế bằng những đồng thuận về dân chủ, các quyền phổ cập về con người. Nếu có một sự sắp xếp lại trong nội bộ khối Đại Tây Dương (hay khối phương Tây), điều đó cần được diễn ra với những sự thảo luận, và dựa trên một tình cảm, và một quá trình chuẩn bị chứ không phải là những hành động phá hoại, thái độ thù địch của chính quyền Trump với châu Âu. Chính quyền Trump đã gần như lấy một thái độ thù địch với châu Âu khi cổ võ, can thiệp trắng trợ cho đảng phái cực hữu, bị xem là một vết nhơ, hiện thân của lực lượng Nazis tại châu Âu, muốn gây chiến tranh thương mại với khối Liên Âu, trong khi lại sát gần với Nga, và còn bỏ phiếu “chống lại lên án Nga” cùng với một bộ phận các nước độc tài như Belarus, Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc. Điều mà thủ tướng Ba Lan, Donald Tusk từng phát biểu với một đồng minh như vậy thì chúng ta chẳng cần kẻ thủ (with friends like these, who needs enemies).

Khối liên minh này có lẽ đã được kết thành nhờ vào vai trò quan trọng của Mỹ giúp tái lập hòa bình tại châu Âu trong hai cuộc thế chiến, người ta thường nói về mối quan hệ giữa Churchill và FDR, Harold Macmillan và JFK (Macmillan từng nói rằng nếu Anh là Athen thì Hoa Kỳ là thành Rome để ám chỉ thực ra chẳng có sự khác biệt nào giữa Hoa Kỳ và châu Âu), khi người ta đưa Ronald Reagan làm tổng thống thì Margaret Thatcher cũng là thủ tướng Anh và có những chia sẻ căn bản về lập trường kinh tế, ngay cả giữa Tony Blair, hay Bill Clinton và George W Bush cũng có những đồng nhất về lập trường an ninh- quân sự. Dù trước đó, mối quan hệ này đã gặp những sóng gió nhất định, ví dụ như khi Dwight D Eisenhower giận giữ với Anthony Eden về cuộc khủng hoảng kênh đào Suez năm 1956. Tuy nhiên, Anh và Pháp đã chủ động rút lui trước áp lực của Hoa Kỳ như một tuyên bố từ nhiệm quyền lực của thế giới cũ và chuyển giao vai trò lãnh đạo của thế giới mới. Hay Khi Lyndon Johnson đã tức giận với Harold Wilson vì Anh từ chối đưa quân giúp Hoa Kỳ tại chiến trường Việt Nam. Hoặc khi cuộc chiến Iraq của Bush bị phản đối tại châu Âu, chỉ có duy nhất Anh là đồng ý tham gia cuộc chiến. Nhưng trên tất cả, họ vẫn ngồi lại với nhau và đồng ý duy trì liên minh này. Nhưng có một thực tế là liên minh này gần như đã chấm dứt tại nhiệm kỳ đầu của Donald Trump, khi Biden rút quân khỏi Afghanistan, châu Âu gần như đã bàng hoàng vì họ không được báo trước, hoặc có rất ít thời gian để chuẩn bị. Cuộc đàm thoại về an ninh giữa Joe Biden và Boris Johnson được diễn ra một cách cẩu thả và cho có lệ. Trước đó, dưới, thời Obama thì Hoa Kỳ cũng đã triệt thoái với sự lúng túng của họ tại Iraq, Afghanistan và Syria; cuối thời Obama- họ cũng tuyên bố sẽ chuyển trục về châu Á-Thái Bình Dương mà thực chất chỉ là một cảnh bảo rằng họ sẽ từ bỏ nhiều cam kết khác với thế giới. Trước đó, tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã gọi NATO là một tổ chức đã bị chết não. Biden lên cầm quyền vào năm 2020, với những hứa hẹn America is back, America must lead again; nước Mỹ đã trở lại và nước Mỹ phải tiếp tục lãnh đạo, và dường như vai trò quan trọng của Mỹ là nhà cung cấp vũ khí cho Ukraine đã khiến một phần uy tín của Mỹ trở lại trong một khoảnh khắc ngắn ngủi trước khi đi xuống không phanh.

Nhung, điều này sẽ dẫn đến cục diện nào? Chắc chắn là châu Âu sẽ phải gia tăng phòng thủ quân sự thông qua những chi phí đầu tư cho quân sự. Ví dụ như thủ tướng Anh Keir Starmer đã đặt mục tiêu gia tăng chi phí quân sự lên 2.5% vào năm 2027 thông qua những cắt giảm về trợ cấp nước ngoài, và có thể là tăng một số khoản thế. Những nước tiền tuyến như Ba Lan cũng đã cam kết tăng cường chi phí quân sự lên mức 5%. Nhưng nhiều phân tích cũng nói rằng có thể những mức tăng cường chi phí quân sự này sẽ không đủ, các nước châu Âu có thể vay mượn và tăng cường chi phí quân sự lên tới 7% nếu những rủi ro an ninh còn tiếp tục kéo dài. Bất chấp những bất đồng về việc gửi quân đến Ukraine để duy trì một hòa bình được thiết lập dựa trên một hiệp ước được hai bên thỏa thuận, chắc chắn rằng phần lớn lãnh đạo châu Âu cũng là nhìn nhận rằng Ukraine là tiền tuyến của họ trong cuộc chiến tranh quân sự với Nga, và họ sẽ phải có những cố gắng rất phi thường để bảo vệ bằng được tiền tuyến này. Tất nhiên, châu Âu lao vào cuộc chạy đua về vũ trang, nó sẽ là một điều không mong muốn cho những cố gắng chống lại biến đổi khí hậu, vì nhiều chuyên gia cũng cho rằng các nước trên thế giới cũng cần những chi phí khổng lồ và có thể lên tới 5% cho những dự án, cố gắng chống chịu khí hậu. Dù sao thì, cuộc chạy đua vũ trang để tự về của châu Âu là một xu hướng dù muốn hay không, nó vẫn sẽ xảy ra.

3.     Sự tan rã của liên minh Đại Tây Dương: Hoa Kỳ và châu Âu và những hệ quả

Một điểm cần nhấn mạnh là khối liên minh Đại Tây Dương thực ra là một khối liên minh với trọng tâm chính là an ninh và quân sự (hay là một hình thức hợp tác chính trị một cách sâu sắc nhất), trái với khối Ấn Độ- châu Á Thái Bình Dương chỉ dừng lại ở những cố gắng tự do về thương mại. Nhưng cho đến nay vấn đề an ninh của Mỹ và châu Âu đã tác ra. Điều đó đặt một viễn cảnh phá sản của khối NATO- Tổ chức hợp tác quân sự Bắc Đại Tây Dương và dẫn đến sự hình thành quân đội chung châu Âu. Hoặc khối NATO vẫn duy trì, dù vai trò của Mỹ sẽ giảm sút rất lớn. Sự sụt giảm về sự hiện diện của quân sự Mỹ sẽ tất yếu dẫn đến sự sụt giảm về vị thế của đồng tiền dollars như một đồng tiền của các giao dịch thương mại quốc tế. Chúng ta cần phải nhấn mạnh rằng nét độc đáo của châu Âu là có một thị trường chung khổng lồ- được coi như một ưu việt của liên Âu, và tất cả những thành viên trong khối liên Âu (và Anh) đã chấp nhận vai trò lãnh đạo về an ninh của Hoa Kỳ; ở mặt trận châu Á Thái Bình Dương, Mỹ có sự liên kết mật thiết với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đều nằm dưới sự bảo hộ quân sự của Hoa Kỳ, cộng thêm Úc một nước vốn là một người an em nói cùng một thứ ngôn ngữ, và một mặt trận khác là các nền kinh tế mới nổi tại châu Mỹ- Latin, vốn là một vùng Hoa Kỳ có những ảnh hưởng và chi phối sâu sắc. Chính những mắt xích về quân sự và ảnh hưởng đó đã tạo lên vị thế của nước Mỹ và vị thế của đồng Dollar. Nhưng nếu khối liên minh Đại Tây Dương chấm dứt thì cũng là một vai trò chấm hết của vị thế lãnh đạo của Hoa Kỳ.

Trái với suy nghĩ của nhiều người cho rằng tác giả bài viết này là một người thân châu Âu. Tôi thực ra rất gần với người Mỹ, với một cộng đồng người Việt hải ngoại đông đảo mà chúng ta cần hàn gắn, tôi cũng biết ơn những người Mỹ đã quảng đại giúp người Việt Nam tị nạn, và đứng ra hoạt động nhân quyền thay cho người Việt. Trong một tương lai có thể nhìn thấy, dù vai trò của Mỹ suy giảm, Mỹ vẫn sẽ là thị trường, và đối tác lớn nhất của Việt Nam. Nhưng tôi chỉ trình bày những ý kiến dựa trên một sự thực và những gì đang thực tế diễn ra. Nếu Hoa Kỳ, dù triệt thoái nhưng một cách có chuẩn bị và mềm mỏng, vẫn là một phần dù không còn là lãnh đạo của khối liên minh Đại Tây Dương, và Hoa Kỳ vẫn là một quốc gia cổ võ cho phong trào dân chủ hóa trên thế giới, đó là một điều may mắn của chúng ta, không ai mong muốn sự suy yếu của Hoa Kỳ cả. Nhưng Trump đã làm quá trình triệt thoái này khiến Mỹ bị nhìn như một đất nước ích kỷ, tham lam, và có thể lấy các quyết định chống lại dân chủ, và nếu như vậy thì Hoa Kỳ không những không còn là bạn mà còn bị xem như kẻ thù. Điều đó thực tế là một tổn hại của thế giới dân chủ, và do đó một người ủng hộ dân chủ hóa thành thực phải là một người chống lại xu hướng Donald Trump. Và trên hết, tôi cũng có niềm tin một tổng thống sau Donald Trump dù có là một người dân túy thì cũng sẽ nhìn ra được những tai hại này và sẽ phải nỗ lực hàn gắn Mỹ và đồng minh của mình.

Tất nhiên, có một số người lập luận rằng tại sao lại bắt những người công nhân ở Pennsylvania, Michigan; và những nông dân ở Indiana, Minnesota hay Iowa trả những khoản tiền phúc lợi xã hội, hưu trí và y tế miễn phí cho những người châu Âu tại khắp Berlin, Paris, hay London. Lập luận này cũng có phần đúng, nhưng Hoa Kỳ với sức mạnh quân sự và vai trò lãnh đạo của mình cũng có quyền in tiền với một khối lượng khổng lồ và thế giới sẽ là những quốc gia khác sẽ là những người chịu thiệt hại trước lạm phát khi mà đồng dollar chiếm 60% tổng số ngoại tệ dự trữ trên thế giới, và áp đảo gần như tuyệt đối.  Hoa Kỳ cũng là nước duy nhất trong thế giới các quốc gia phát triển thu nhập cao còn thê thể tăng trưởng mà ở mức 2.9%, trong khi phần lớn thế giới phát triển tăng trưởng không đáng kể, hoặc suy thoái. Nếu đồng Dollar mất đi vị thế hiện tại, có lẽ Hoa Kỳ sẽ lâm vào một cuộc khủng hoảng kinh tế vô cùng lớn, và sa sút về nhiều mặt trong xã hội. Với căn bệnh bất bình đẳng trầm trọng của mình, và sự bấp bênh trong xã hội của số 50% người thu nhập thấp (bottom 50%), chắc chắn rằng đó cũng sẽ là một cuộc khủng hoảng về xã hội, và bao trùm lên đó là một cuộc khủng hoảng về thể chế dân chủ của Hoa Kỳ (đang diễn ra âm thầm và có thể sẽ gia tốc).

Ngoài sự phá sản của liên minh Đại Tây Dương, chúng ta cũng chứng kiến một cuộc thương chiến mà Trump đang gây ra cho phần lớn các nước đồng minh của mình. Cũng cần phải nói thêm Hoa Kỳ là một thị trường tiêu dùng lớn nhất trên thế giới (chiếm 68% khối lượng kinh tế Mỹ), họ cũng là quốc gia dẫn đầu trên thế giới về đầu tư FDI, và là một quốc gia thành công trong việc thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới. Một cuộc thương chiến có thể dẫn đến một quyết định khiến cho thế giới đi tìm kiếm những thị trường tiêu thụ thay thế, điều đó cũng sẽ có những tác hại khôn lường với vị thế đồng Dollar hiện tại. Có nhiều doanh nghiệp châu Âu và các doanh nghiệp trên thế giới đã thành công bước đầu tại quốc gia của họ, nhưng  đã lựa chọn chuyển sang Hoa Kỳ để tìm kiếm thị trường khách hàng rộng lớn hơn dẫn đến một nguồn vốn rồi rào về FDI và con người, có thể sự đổ vỡ của liên minh Đại Tây Dương cũng sẽ làm nguồn vốn FDI và những tài năng muốn định cư tại Hoa Kỳ rút lại kế hoạch hoặc rời bỏ Hoa Kỳ. Nếu đây là những xu hướng bắt buộc phải đến, nhưng một người lãnh đạo thận trọng luôn hiểu rằng một liên minh, một trật tự thế giới tồn tại là vì có những nguyên do của nó, nếu bị giải tán trong hấp tấp sẽ gây ra những thiệt hại khôn lường, nếu đây là một xu hướng bắt buộc phải đến, thì nên để quá trình này diễn ra một cách có sự chuẩn bị và tránh mọi sự đổ vỡ, nhưng sự lỗ mãng và thiển cận của Trump sẽ làm cho mọi sự đổ vỡ không kiểm soát được, và điều này thực tế có có hại trước hết là cho chính Hoa Kỳ: nước Mỹ trên hết thực ra là nước Mỹ cô lập, một quốc gia cô lập trong một thế giới hiện tại sẽ là một quốc gia thất bại và sẽ không có một ngoại lệ dù là một siêu cường như Hoa Kỳ.

4.     Làn sóng dân chủ có tiến tới khi khối dân chủ Đại Tây Dương lâm nguy

 

Bất chấp những khó khăn, chúng ta cần tin và có mọi cơ sở để tin rằng phong trào dân chủ vẫn sẽ tiến tới. Thực ra sự đổ vỡ này cũng là một nội dung của làn sóng dân chủ thứ tư dân chủ hóa các cơ chế lãnh đạo toàn cầu và đưa đến một trật tự thực sự đa phương. Châu Âu với Mỹ không còn là một đồng minh về an ninh và quân sự, họ có thể xem nhau là đối thủ và cạnh tranh, nhưng họ vẫn là những người đồng minh với nhau về những hợp tác kinh tế, thương mại, trao đổi công nghệ dựa trên một tinh thần dân chủ. Chúng ta cũng thấy một sự thực là bất cứ những chế độ độc tài nào còn tồn tại trên thế giới đều lâm vào khủng hoảng: như Myanmar đã tan vỡ và chìm trong nội chiến khi phe quân đội đảo ngược tiến trình dân chủ tại nước này, Venezuela và Cuba chìm trong khủng hoảng kinh tế và đứng trước nguy cơ giải thể quốc gia, nước Nga và Belarus đang rơi vào tình trạng sụp đổ về xã hội và kinh tế sau khi tuyên chiến với Ukraine, ngay cả một nước không có chiến tranh như Cambodia cũng đang đứng trước bờ vực sụp đổ vì không có dân chủ. Trung Quốc là một đế chế có một quy mô lớn nên đã che dấu được khủng hoảng của minh, cho đến những thời điểm gần đây, chúng ta không còn nghi ngờ về tình trạng khủng hoảng của Trung Quốc.

Chúng ta chỉ có thể kết luận rằng dù thế giới đang trong một giai đoạn hỗn loạn và xét lại, nhưng những nước nào nằm trong một khối dân chủ, có thể chế dân chủ và có sự hội nhập với những giá trị nhân quyền, thì có những tương lai rất rõ ràng như Indonesia, Ấn Độ, Brazil; trong khi những nước độc tài thì gần như đứng trước một tương lai rất mù mịt. Tôi cũng muốn trình bày một ý kiến rằng trước này chúng ta thấy những nước phương Tây vốn là những nước thành công và lãnh đạo toàn cầu hóa, nhưng nó cũng làm gia tăng bất bình đẳng và chủ nghĩa dân túy, thậm chí người thành công nhất của phong trào toàn cầu hóa là Hoa Kỳ còn tuyên bố họ là “nạn nhân”. Nhưng thực tế, những nước chịu ảnh hưởng lớn nhất của toàn cầu hóa là các quốc gia đang cởi mở, bởi lẽ họ đã đón làn sóng toàn cầu hóa, và hội nhập khi chưa có những thay đổi, vải tổ về thể chế cũng như những cố gắng liên đới xã hội, toàn cầu hóa một mặt đưa họ phát triển rất nhanh nhưng một mặt dẫn đến một tăng trưởng không bao trùm, và trong nhiều quốc gia tốc độ ô nhiễm môi trường cao hơn tốc độ phát triển (có chính Việt Nam chúng ta trong đó). Một thế giới đang xét lại sẽ khiến các quốc gia ý thức rằng họ chỉ có thể tồn tại và vươn lên nếu giải quyết các vấn đề về thể chế chính trị, và xã hội: trong đó các nước còn ở trong chế độ độc tài buộc phải dân chủ hóa, các nước đã có dân chủ buộc phải cải thiện để có một mức độ dân chủ cao hơn, lành mạnh hơn, cùng với những cố gắng tự thân, những đầu tư hợp lý để bảo vệ môi trường và liên đới xã hội. Nói tóm lại, trong một khoảng thời gian tới, có thể thế giới vẫn sẽ xét lại, và thế giới sẽ:

·       Những ưu tư hợp tác, phát triển, viện trợ sẽ dồn cho những nước thực sự thành thực với dân chủ, và là đối tác có cùng thể chế và ý thức hệ trong khi Mỹ sẽ khó khăn và châu Âu sẽ phải vay nợ để chi trả quân sự.

·       Những áp lực trực tiếp buộc các chế độ không cởi mở phải dân chủ có thể không trực tiếp, nhưng một thái độ cố thủ gần như sẽ không tránh khỏi sự sụp đổ.

·       Sức đẩy của phong trào toàn cầu hóa không mạnh và nhộn nhịp cũng là một cơ hội để những quốc gia có thiện chí cải thiện mô hình và tổ chức xã hội của họ, và những khuyết điểm trong thể chế không còn có thể che dấu bằng sức đẩy của phong trào toàn cầu hóa: điều đó khiến các quốc gia đang cởi mở sẽ phải có những cố gắng tự thân hơn, và quả quyết hơn.

·       Sự sụp đổ của mô hình Hoa Kỳ cũng sẽ đưa đến một bài học khiến các phong trào dân chủ hóa trên thế giới lành mạnh hơn. Các quốc gia sẽ thấy được tại sao Hoa Kỳ đi xuống dù từng là một quốc gia thành công nhất và rút ra được bài học cho chính mình. Thường thì những cố gắng dân chủ do Hoa Kỳ áp đặt hoặc theo đuổi mô hình tổng thống chế Hoa Kỳ thường không mấy thành công, nên sự sụp đổ của mô hình Hoa Kỳ thực ra có lợi cho các cố gắng dân chủ.

Việt Nam chúng ta cũng đang trong một cuộc khủng hoảng lớn, không chỉ là khủng hoảng về kinh tế như Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã trình bày tại các bài viết trước. Chúng ta đang trong một cuộc khủng hoảng về đường hướng, thể chế chính trị, và cơ cấu xã hội. Sẽ không mất nhiều tranh luận để kết luận rằng nếu Việt Nam còn duy trì chế độ độc tài đảng trị, chúng ta sẽ không còn một tương lai nào và sẽ sớm rơi vào tình trạng của những nước cố thủ Myanmar, Cambodia, hay Cuba. Dân chủ hóa đất nước là một nhu cầu cấp thiết trong một thế giới đang chuyển mình, và đầy biến động. Chúng tôi cũng đã trình bày như vậy với những người nhân sĩ, những người cộng sản, và an ninh của chế độ trên một niềm tin rằng dù chúng ta là ai, chúng ta là người Việt Nam, và vẫn yêu tổ quốc của mình. Trái lại, một thái độ hung hăng và cố thủ lúc này cần phải lên án, một thái độ tự phụ cho rằng thế giới đang xét lại và biến động nhưng “ngoại trừ Việt Nam mình ra” cũng là một thái độ thiển cận và không dựa trên một thực tế nào. Ngày hôm nay, chúng ta phải khiêm tốn và thành thực với nhau, và phải lắng nghe lẽ phải vì chúng ta đang bị bỏ lại ở thế giới cũ, và chúng ta sắp rơi vào cảnh quốc gia giải thể vì không đuổi một thế giới đang chuyển mình. Nếu chúng ta còn lưỡng lự vì những toan tính cá nhân của mình, chúng ta đặt quyền lợi của phe nhóm lên trên tương lai của đất nước để rồi ngày mai đất nước chúng ta sụp đổ và là một thiểu số không đáng kể; mọi lời lẽ mỉa mai, nguyền rủa nhau, mọi sự đàn áp, bắt bớ nhau đều chỉ là vô nghĩa, chúng ta sẽ còn gì để nói với nhau.

Read more