Cải tổ đơn vị hành chính địa phương là vô nghĩa nếu vẫn duy trì chủ nghĩa tập quyền
1. Cải tổ đơn vị hành chính địa phương nhưng vẫn duy trì tổ chức tập quyền?
Trong thời gian gần đây, đảng cộng sản Việt Nam đang trong một cuộc thảo luận về cải cách đơn vị hành chính, trong đó có một đề xuất loại bỏ đơn vị cấp huyện và đưa bộ máy chính quyền cơ sở về cấp xã (trên tinh thần là giảm chính quyền từ bốn cấp về chỉ còn ba cấp), và xem xét sáp nhập một số tỉnh thành. Họ đưa ra lý do phải sáp nhập một số tỉnh thành vì nhiều tỉnh thành không đủ điều kiện về quy mô dân số và cần sáp nhập để đảm bảo phát triển kinh tế, nhưng lý do tại sao họ lại muốn bỏ đơn vị hành chính cấp huyện để tập trung lực lượng về cấp xã, có quy mô dân số ít hơn, lại sinh ra nhiều “đầu mối” hơn, và khiến cho đơn vị này thực tế phình to hơn; vậy tại sao không bỏ cấp xã duy trì cấp huyện mà lại phải làm ngược lại thì họ không giải thích.
Ông Tô Lâm, tổng bí thư đảng Cộng sản đã phát biểu một điều mà ông cho là nghịch lý, ông dẫn chứng huyện Đông Anh và quận Hoàn Kiếm của Hà Nội thu ngân sách gấp nhiều lần một số tỉnh và "Tại sao một huyện, quận như thế, quy mô đất đai, dân số như thế người ta lại làm được, còn phạm vi của một tỉnh kinh tế lại đì đẹt như vậy. Phải mang sách vở đến mà học, phải tính toán lại, phải rút kinh nghiệm với những việc đó". Khi đặt ra vấn đề đó, ông Tô Lâm đã thể hiện một sự kém hiểu biết và tầm nhìn về đất nước Việt Nam. Những huyện Đông Anh, và Hoàn Kiếm là những trung tâm kinh tế (central business districts- CDBs) của thành phố Hà Nội, nơi tập trung phần lớn các giao dịch thương mại, hoạt động kinh tế, và hành chính, trong khi nhiều tỉnh thành nghèo thì thiếu cả về nguồn lực, lẫn quyền tự chủ để phát triển kinh tế. No chỉ càng chứng tỏ rằng cho đến ngày hôm nay: mô hình tổ chức đất nước theo đường hướng tập quyền đã phá sản và một cải cách hành chính trong khuôn khổ thể chế tập quyền sẽ không đưa đất nước Việt Nam đến một sự đổi mới nào, ngoài việc làm rối loạn thêm một mô hình đã mục ruỗng và kiệt quệ dưới sự lãnh đạo độc đoán của chế độ Cộng sản Việt Nam. Nó là một thực trạng đáng buồn chứng tỏ nhu cầu cấp thiết của dân chủ đa nguyên và tản quyền, nhưng với một tầm nhìn thiển cận, ông Tô Lâm lại lấy đó như một ví dụ để hô hào địa phương phải “tự vươn mình”, với một hàm ý là do các địa phương yếu kém, không biết tự thân cố gắng. Nhưng vươn mình thế nào khi mọi quyền tự chủ, tự quyết định của họ đã bị triệt tiêu?
Ông Tô Lâm cũng trình bày một ý kiến của mình rằng Việt Nam cần phải “vượt qua bẫy thu nhập trung bình” (dù thực tế cái bẫy chúng ta đang đối mặt là bẫy thu nhập “trung bình thấp”), và chúng tôi cũng đã giải thích cho chế độ và quần chúng rằng, để vượt qua cái bẫy trung bình, dân chủ hóa là một điều cấp thiết. Một chế độ độc tài không cho phép các quyền tự do sáng tạo, những hoạt động kinh tế tự do, và một xã hội dân sự gò bó sẽ không thể có một nền kinh tế bậc cao, và nếu duy trì chế độ hiện tại thì không bao giờ vượt qua được bẫy “thu nhập trung bình thấp” Nhưng, nếu chúng ta lấy một góc nhìn mang tính quy hoạch và phát triển kinh tế, bẫy thu nhập trung bình thấp tồn tại là vì trước nay, các hoạt động kinh tế lớn đều dồn vào hai thành phố là Hà Nội và Sài Gòn; trong giai đoạn đầu từ 2005-2015, thì vẫn có những tăng trưởng kinh tế, và cải thiện đời sống nhất định ở hai thành phố này, và người ta cảm tưởng rằng điều đó ổn. Tuy nhiên, lâu dần nó dẫn đến nạn nhân mãn tại hai thành phố lớn và sự kiệt quệ và con người và nguồn lực ở địa phương. Hà Nội và Sài Gòn khi đạt đến một sức chứa nhất định đã không còn có thể phát triển tiếp, hơn nữa các thành phố này còn gặp những vấn đề đô thị lớn như: giá đất và vật giá tăng nhanh chóng khiến điều kiện sống của người dân thực tế bấp bênh hơn, đặc biệt là những người lao động nhập cư, vấn đề không gian sống và giao thông, cùng ô nhiễm đô thị, cơ hội kinh tế và việc làm cũng giảm dần với một mức lương gia tăng không đáng kể, vv. Các chính sách giải tỏa áp lực cho hai thành phố lớn như xây dựng đô thị vệ tinh, mở rộng ra ngoại thành và vùng ven chứng tỏ không nhiều hiệu quả. Khi hai thành phố lớn lâm vào tình trạng khủng hoảng, và các địa phương khác cũng kiệt quệ thì chế độ cũng lâm vào bế tắc. Thể chế tập quyền hiện tại đã không còn phương tiện kinh tế, cũng phá sản về triết lý chính trị; và để đưa đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình thấp, đồng thời đi lên Kỷ nguyên mới, đó phải là một sự thay đổi hướng tới dân chủ đa nguyên và tản quyền. Phải khẳng định một lần nữa là nếu, muốn cải tổ đơn vị hành chính địa phương, nhưng vẫn duy trì tập quyền chính trị và chế độ toàn trị; thì đó là một quyết sách không có nội dung, và không đưa đến một sự thay đổi về chất.
2. Nhu cầu tổ chức tản quyền và từ bỏ tập quyền được đặt ra một cách gay gắt trên thế giới
Thực tế, mô hình tập quyền hoặc nhu cầu nâng cao mức độ tản quyền đã được đặt ra một cách rất gay gắt trong thập kỷ vừa qua. Điển hình, chúng ta chứng kiến Brexit bùng nổ tại Anh và nó đặt một đất nước gần như được coi là mẫu mực về dân chủ vào trạng thái nguy khốn. Sự hình thành liên minh châu Âu và một thị trường trung là một xu hướng có lợi và đem đến sự giàu có, và gắn kết cho toàn bộ châu Âu. Trong một giai đoạn miệt mài theo đuổi chủ nghĩa tự do phóng khoáng, Anh đã bỏ quên những vấn đề về nền tảng quốc gia, và thể chế của mình. Khi Brexit xảy ra như một tai nạn, họ bàng hoàng nhận ra Scotland có nguy cơ ly khai bất cứ lúc nào thì Scotland cần thị trường chung châu Âu. Brexit cũng tạo ra “đường biên cứng” giữa Bắc Ireland và phần còn lại của nước Anh vì Bắc Ireland có một mối quan hệ lịch sử với cộng hòa Ireland, và cũng bỏ phiếu gắn kết với châu Âu. Bài viết này không nói về Brexit, tôi chỉ nêu ra để nói về một hiện trạng khi châu Âu đang thực hiện một cuộc cải tổ lớn đem đến một thị trường chung, một khối tự do thương mại, nước Anh đã không có những chuẩn bị đúng mực về cải thiện thể chế, đặt nặng một sự tản quyền và tổ chức lại đất nước để củng cố nền tảng quốc gia đồng thời hội nhập vào thể chế châu Âu một cách lành mạnh, mà tiếp tục nhìn nhận đất nước theo một cách nhìn cũ là một khối “liên hiệp” được tạo bởi ba thành phần England và xứ Wales, Bắc Ireland, và Scotland. Một mặt “liên hiệp” này yếu đi vì một sự xét lại lịch sử, và phong trào toàn cầu hóa, một mặt Anh đã đi vào một quyết định tệ hại là tổ chức trưng cầu dân ý để nước Anh rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu; và điều đó đã bùng nổ trở thành một cuộc khủng hoảng về nền tảng quốc gia. Nước Anh sau Brexit đã dần ổn định vì họ là một quốc gia dân chủ và không hẳn là một quốc gia tập quyền, chỉ là tổ chức tản quyền của họ không quả quyết. Nhưng mầm mống của khủng hoảng quốc gia vẫn còn đó, và ngày càng có nhiều tiếng nói vận động Anh quốc thay đổi theo mô hình liên bang, và đẩy mạnh các chính sách, thể chế tản quyền. Gần như, trong thế giới chúng ta thấy ngày hôm nay, tản quyền là một nhu cầu bắt buộc.
3. “Điểm nghẽn” của chế độ đã được giải quyết trong dự án Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai
Thực tế thì trong dự án Khai sáng kỷ nguyên thứ hai, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã giải đáp những “điểm nghẽn” của Tô Lâm và tập thể đảng cộng sản Việt Nam về việc làm thế nào để giảm tải bộ máy trung ương cồng kềnh, và tổ chức cấp chính quyền địa phương để đất nước có thể vươn mình vào một kỷ nguyên mới:
[Một chính quyền dù xuất phát từ bầu cử tự do đi nữa cũng không phải là dân chủ đa nguyên nếu phần lớn quyền hành tập trung trong tay chính quyền trung ương. Trong một thể chế dân chủ đa nguyên các chính quyền địa phương, do nhân dân địa phương bầu ra, phải có những quyền luật định rộng rãi để tổ chức cuộc sống phù hợp với bối cảnh riêng của mỗi vùng. Mỗi vùng phải có diện tích và dân số ở mức độ thỏa đáng để có thể là những thực thể đủ tầm vóc để tự quản được và phát triển được. Như thế một số nguyên nhân xung đột sẽ tự nhiên được giải tỏa. Các sắc tộc ít người sẽ có được tiếng nói đáng kể tại các địa phương mà họ tập trung đông đảo. Các chính đảng không có được đa số trong các cuộc bầu cử toàn quốc vẫn có thể nắm được chính quyền tại những địa phương nơi họ được tín nhiệm. Dân chủ đa nguyên làm nhẹ đi mối căng thẳng chính quyền - đối lập, ở cấp trung ương cũng như cấp địa phương, và xóa bỏ mối xung khắc "được làm vua thua làm giặc". Tản quyền đưa tới hệ luận là chính quyền trung ương không cai trị trực tiếp mà chỉ đảm nhiệm các sứ mạng quốc phòng, ngoại giao, tiền tệ và điều hợp các địa phương.]
4. Tổ chức lại bộ máy địa phương phải bao hàm triết lý quốc gia của các cộng đồng
Một người có đầu óc công an trị như Tô Lâm không hiểu rằng nguyên nhân sâu xa của cải cách bộ máy hành chính các cấp địa phương không phải đơn thuần là một nhu cầu tách nhập, thêm bớt để phục vụ cho một nhu cầu kỹ trị và duy trì một mô hình tập quyền, nó chỉ có thể là một nhu cầu cấp thiết đất nước phải tản quyền, và trao cho các cấp địa phương: các vùng, các cộng đồng một tiếng nói và quyền lực đúng nghĩa để họ làm chủ vận mệnh của mình và vươn lên.
Về mặt kỹ thuật, có thể lý giải rằng trong khuôn khổ quy hoạch vùng, quốc gia: đôi khi sự phát triển của tỉnh thành này, sẽ trở thành rào cản của các tỉnh thành khác; tốc độ đô thị hóa hay công nghiệp hóa của một số vùng sẽ gây xung đột với các kế hoạch phát triển của thể của những tỉnh thành lân cận. Nếu đặt trong một bộ máy tập quyền, thì các chính sách tùy tiện được quyết định bởi một nhóm người có thể cũng gây xung đột và cản trở những chính sách, định hướng riêng của cấp địa phương.
Nhưng “địa phương” ở đây phải được hiểu là gì hay có nội hàm ra sao? Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên quan niệm đất nước được xây dựng dựa trên các cộng đồng. Địa phương ở đây trước hết là cộng đồng hoặc một tập hợp các cộng đồng có cùng chung bối cảnh về lịch sử, sắc tộc hay địa lý trên lãnh thổ Việt Nam. Một người có đầu óc công an trị như Tô Lâm hoàn toàn không hiểu rằng mỗi cộng đồng họ có những bản sắc và đặc điểm riêng, họ cũng có những quyền lợi đặc thù chính đáng, đặc biệt là các cộng đồng thiểu số- họ cần được nhìn nhận các quyền lợi bản địa, và được nhìn nhận bằng một thái độ tương kính và phẩm giá. Sự tồn tại của chế độ Cộng sản và chủ nghĩa tập quyền như một sự triệt tiêu quyền được nhìn nhận và phát triển của các cộng đồng, họ đã không ý thức được điều đó và nay lại kêu gọi cải tổ các cấp hành chính địa phương? Cải tổ hành chính để làm gì khi chủ nghĩa tập quyền và lối cai trị đất nước một cách độc đoán không bị bác bỏ, hay lên án?
Với bất cứ một cộng đồng nào trong lãnh thổ chúng ta, những di sản thiên nhiên hoặc di tích lịch sử như các khu rừng, sông suối, đền thờ có những ý nghĩa lịch sử nhất định đối với họ. Một chế độ tập quyền với một bộ óc vơ vét có thể đốt phá những khu rừng, hủy hoại sống suối, và chiếm dụng các di tích lịch sử, và hành động vô tình này làm hủy hoại nền tảng của các cộng đồng trên lãnh thổ Việt Nam. Ngược lại, một chế độ tản quyền nhìn nhận quyền sở hữu lịch sử của các cộng đồng với các tài nguyên, đất đai, và di sản của họ. Đây là một nhìn nhận mang tính triết lý giúp các cộng đồng hội nhập vào không gian chung của quốc gia Việt Nam, và là động lực để họ vươn mình. Những người lãnh đạo toàn trị không thấy được sự lầm lũi của cộng đồng người Chăm Pa khi phải lầm lũi xin phép để đi vào những ngôi đền cổ vốn là tài sản của họ mà nay quyền được làm chủ những tài sản đó đã bị tước đoạt? Họ đã bị gạt ra ngoài lề đất nước Việt Nam, và nội hàm cải cách cấp hành chính của ông Tô Lâm cũng chỉ là một sự tiếp diễn cho số phận đầy bi đát của họ khi gắn bó với đất nước Việt Nam. Để đất nước Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới, chúng ta phải ngay lập tức trao trả quyền bản địa và phẩm giá của các cộng đồng thiểu số.
5. Quy hoạch vùng và tổ chức các chính quyền vùng
Một tập hợp các cộng đồng (được hiểu như các vùng) như vùng Tây Nam Bộ, vùng duyên hải miền Trung có những đặc điểm tương đồng về địa lý, bản sắc văn hóa, và lịch sử; đồng thời họ cũng có đối mặt với những khó khăn riêng. Lớp lớp những người trẻ thuốc các tỉnh ven biển như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã chọn con đường xuất khẩu lao động vì họ không có một chỗ đứng về kinh tế trên chính vùng đất của mình; trước đó họ di cư vào hai thành phố lớn là Hà Nội và Sài Gòn cho đến khi hai thành phố này cũng không còn đủ sức chứa và cơ hội kinh tế thì lựa chọn xuất khẩu lao động là con đường duy nhất. Các tỉnh ven biển miền Trung cần một quyền tự chủ và tập hợp, tổ chức dưới một chính quyền vùng để phát triển kinh tế biển, và mở ra một không gian về kinh tế và xã hội cho những người trẻ ở vùng này. Nếu chúng ta tham khảo bất cứ một văn kiện nào về quy hoạch vùng tại Tây Nam Bộ, vấn đề biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn cũng là ưu tư lớn nhất của họ. Sự cô lập và biến đổi khí hậu đang đe dọa vùng đất này và kéo theo là một sự xuống cấp về văn hóa, kinh tế của họ. Tây Nam Bộ vừa là vựa lúa và hoa màu của đất nước, nhưng cho tới nay nạn thiếu nước đã trầm trọng do xâm nhập mặn và các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong bắt đầu từ Bắc Lào, và với một đặc tính mưa ít họ phải phụ thuộc vào nguồn nước mưa và nguồn nước ngầm như những nguồn nước ngọt chủ yếu. Trong một tương lai có thể nhìn thấy trước, Tây Nam Bộ sẽ không còn là vựa lúa, nông sản và hoa màu của chúng ta nữa. Và có một chính quyền vùng dưới một nhà nước dân chủ đa nguyên là một nhu cầu vô cùng cấp thiết để họ làm chủ những tài nguyên của mình bao gồm đất đai, nguồn nước; và một ngân sách tự chủ để nhanh chóng chuyển đổi về kinh tế-xã hội, và đối mặt những vấn đề lớn mà họ gặp phải, dưới sự yểm trợ của chính quyền quốc gia. Tiếc thay, xu hướng đó sẽ không diễn ra và họ có nguy cơ ngày càng sa sút dưới một hệ thống tập quyền trung ương, mà sử dụng ngân sách và tài nguyên của đất nước để theo đuổi những đại dự án tàn phá môi sinh, và những chính sách đầu tư lãng phí để giúp chế độ trì hoãn thêm một hạn kỳ dân chủ đang tới gần. Một mặt họ đề xuất cải tổ đơn vị hành chính cấp địa phương, một mặt họ vẫn quyết tâm lao vào một đường lối lào kinh tế tập quyền dựa trên đầu tư công rút cạn ngân sách trung ương và địa phương, và các dự án phá hủy môi sinh, được thiết kế một cách tùy tiện, và áp đặt. Cần phải quả quyết khẳng định rằng những cải tổ hành chính cấp địa phương chế độ đang theo đuổi là một cuộc cải tổ gượng gạo, và hoàn toàn vô nghĩa. Những cố gắng sát nhập, cắt ghép các tỉnh thuần túy dựa trên dân số, diện tích là một cố gắng sẽ không có kết quả; khi tất cả được đặt trên ý thức hệ, và tư duy tập quyền.
Trái lại, tổ chức đất nước thành các vùng, nghĩa là một tập hợp các cộng đồng tương đồng về điều kiện địa lý, bản sắc văn hóa, cùng các yếu tố về lịch sử sẽ góp phần tạo ra một nguồn năng lượng phát triển kinh tế mới khổng lồ khi các vùng lãnh thổ Việt Nam ngoài hai thành phố lớn được khai phá, mặt khác cũng góp phần điều tiết tránh kế hoạch phát triển của tỉnh thành này trở xung đột với nhu cầu phát triển của các tỉnh khác, vấn đề phát triển mất cân đối vào các thành phố lớn, và xung đột giữa chính sách phát triển quốc gia và từng địa phương (khi vai trò của chính quyền quốc gia được đặt lại).
6. Chúng ta cần một cơ chế cho một tương lai đang tiến tới
Việc thay đổi thể chế, và đặt lại các chính sách lớn của đất nước cần được hiểu là một cố gắng thành thực để đưa đất nước vượt qua những rủi ro, và cung cấp cho đất nước chúng ta một cơ chế để thích nghi và đón nhận những thay đổi sẽ phải tới. Trong một tương lai có thể sẽ không xa, những hợp tác và trao đổi kinh tế sắc sắc sẽ không dừng lại ở pháp vi trong quốc gia. Nhưng người dân vùng núi Tây Bắc Bộ có thể sẽ liên kết một không gian kinh tế và văn hóa với những sắc dân ở miền Nam Trung Quốc như Quảng Tây hay Vân Nam trong một tương lai khi vấn đề rủi ro về chính trị và an ninh của Trung Quốc không đặt ra. Nhưng trao đổi và hợp tác của người dân Việt, Lào ở hai miền đông và Tây dãy Trường Sơn cũng là một nhu cầu và xu hướng tự nhiên, hay không gian giao thoa giữa Nam Phần Việt Nam và Campuchia, hoặc các tỉnh ven biển Việt Nam sẽ có xu hướng hợp tác sâu sắc với Đông Nam Á hải đảo; những xu hướng này có thể tiến xa trong một tương lai và chúng ta cần phải chuẩn bị. Và những hợp tác xuyên quốc gia như vậy luôn được đặt trên quy phạm chính quyền vùng và phát triển vùng (regional planning). Trong một bối cảnh thế giới vẫn sẽ tiến lên trên đà toàn cầu hóa, và việc hợp tác, trao đổi trở nên phức tạp, việc từ chối tản quyền có thể là nguy cơ của một sự tan vỡ quốc gia, và là tạo ra những xung đột, bất ổn cho đất nước.
Ngay cả khi chúng ta thoát khỏi tình cảnh cô lập vì chế độ độc tài ở một tương lai ngắn hạn, chúng ta cũng cần nuôi dưỡng ngay một thể chế tản quyền và phát triển chính quyền vùng như những hạt nhân điều phối phát triển và đầu tư, và đó sẽ là một xu hướng cần có cho một tương lai của đất nước Việt Nam. Cũng phải nhấn mạnh, trước nay, chế độ cộng sản đã chỉ đưa ra những chính sách kinh tế và phát triển có hại cho đất nước như làm Bô xít ở Tây Nguyên, làm than thép và những chính sách đặc khu nhượng địa, bỏ mặc các tiêu chuẩn về môi trường nhằm để cạnh tranh vốn đầu tư nước ngoài, gần đây thì thêm hai xu hướng khai thác đất hiếm và làm điện nguyên tử. Đó là một loạt các chính sách, đường hướng phá hoại nền tảng cộng đồng, phát triển địa phương của đất nước chúng ta. Và tại sao những chính sách tai hại đó có thể được đưa ra? Bởi vì, bản chất căn bản của họ là một lực lượng tập quyền coi đất nước là một tài nguyên để làm giàu cho một thiểu số, mà họ có thể tùy ý khai thác, chia năm xẻ bảy tùy ý.
Một người trí thức chính trị có suy tư nghiêm túc cần phải bác bỏ ngay một cuộc cải cách hành chính vô nghĩa, chúng ta cần khẳng định Việt Nam cần dân chủ hóa và nội hàm quan trọng của dân chủ hóa là:
- Nhìn nhận lại vai trò của các cộng đồng như những thành phần của đất nước Việt Nam. Chúng ta cần trao quyền cho các cộng đồng như quyền được tự hào, được bảo tồn ngôn ngữ, lịch sử, không gian văn hóa của họ, quyền sở hữu những tài nguyên, nhưng di sản gắn liền với lịch sử của họ, và quyền được có tiếng nói, trọng lượng trên đất nước Việt Nam.
- Xóa bỏ hình thức tổ chức trung ương, đồng thời thực hiện quả quyết tản quyền bằng việc tổ chức chính quyền vùng, và thành lập vùng dựa trên một tập hợp các cộng đồng, có cùng chung văn hóa, lịch sử, bối cảnh về địa lý, và đạt đến một tầm vóc về quy mô và dân số nhất định để mở ra những phương tiện, và động lực phát triển mới cho đất nước, thúc đẩy một sự tái phân bổ về con người và nguồn lực.
Việc chế độ cộng sản Việt Nam đang gia tăng thảo luận về cải tổ hành chính cho thấy thời đại đang chuyển động với một gia tốc nhanh chóng mặt. Chúng ta cũng có thể thấy chế độ đang lúng túng về đường lối và chính sách, và để rồi chỉ đưa ra những cải cách sáo rỗng và thiếu nội hàm. Trước bối cảnh đó, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên chúng tôi đã cho thấy về khả năng lãnh đạo các ý kiến, và định hướng lớn của đất nước Việt Nam, cùng với những giải pháp để đưa đất nước đi lên trước sự bế tắc của đảng Cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên cũng cần một sự ủng hộ công khai hơn từ những người trí thức chính trị và ngay cả những người dù đứng trong hàng ngũ cộng sản nhưng vẫn có một tình cảm tự nhiên với đất nước. Bởi vì, khi một chế độ đã bế tắc, và đem theo đất nước đi vào tình trạng bế tắc (mà ông Tô Lâm gọi là “điểm nghẽn”). Chúng ta không thể im lặng để họ tiếp tục lối mòn, hay tiếp tay cho hành động đó, chúng ta phải dẫn dắt đất nước đi ra khỏi “điểm nghẽn”. Ngược lại điếu chúng ta tiếp tay cho xu hướng cố thủ, chúng ta sẽ phải đối mặt với viễn cảnh đổ vỡ đất nước trong hỗn loạn và bất ổn. Sự giải thể của chế độ cộng sản, đồng nghĩa với việc từ bỏ chế độ độc tài toàn trị và mô hình tập quyền, để cùng nhau xây dựng một thể chế dân chủ đa nguyên và tản quyền chắc chắn là một xu hướng có lợi cho đất nước, và một xu hướng bắt buộc phải đến. Nhất là đó không phải là một tinh thần “phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc” như phe tuyên giáo đã tuyên truyền, đằng sau đó là một tinh thần hòa giải dân tộc để đoàn kết, tập hợp lại người Việt để đấu tranh cho một tương lai chung của dân tộc.